Hoạt động xúc tiến thương mại tối ưu
Doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác khi tham gia triển lãm CNHT |
Theo số liệu của Công ty Reed Tradex, ước tính có hơn 10.000 doanh nghiệp (DN) nước ngoài, bao gồm cả các công ty lớn trên toàn cầu như: Samsung, Intel và LG hoạt động tại Việt Nam. Xu hướng này ngày càng phát triển và tăng cường sản lượng, mở rộng hoạt động.
Điển hình gần đây, LG đã chính thức tuyên bố chuyển nhà máy điện thoại từ Hàn Quốc sang Việt Nam. Dự kiến thay đổi này sẽ giúp tăng công suất hàng năm của nhà máy điện thoại thông minh tại Việt Nam lên 83%, tương ứng với 11 triệu thiết bị từ nửa cuối năm 2019.
Cơ hội để phát triển ngành CNHT đang rất rộng mở, nhất là khi Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm và có chiến lược cụ thể. Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành CNHT, Chính phủ giao Bộ Công Thương tích cực triển khai Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025. Qua đó, DN CNHT Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy, và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu; gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử.
Tuy nhiên, trong ngành CNHT của Việt Nam, đảm nhận vai trò chính vẫn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Dù lực lượng lớn, song khó khăn hiện này mà lực lượng DN này đang đối diện chính là tiềm lực về tài chính, năng lực sản xuất, đội ngũ lao động kỹ thuật cao. Điều này tạo không ít rào cản để DN có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như cạnh tranh với quốc tế. Thống kê của Reed Tradex cho thấy, năm 2017, chỉ 21% DN nhỏ và vừa ở Việt Nam đạt chuẩn, trở thành mắt xích của chuỗi cung ứng toàn cầu, thấp hơn nhiều so với 30% (Thái Lan) và 46% (Malaixia).
Để tháo gỡ những khó khăn và tăng khả năng tham gia chuỗi cung ứng cho DN, ông Phan Ngân cho rằng, một trong những giải pháp cần thiết đó là thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các sự kiện hội chợ, triển lãm về CNHT. Đây chính là kênh giao thương đặc biệt quan trọng để các nhà sản xuất khám phá, cập nhật những giải pháp và công nghệ mới, cần thiết, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong thời điểm hiện tại, đồng thời tìm kiếm những cơ hội kinh doanh tiềm năng trong tương lai; DN chủ động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chiến lược mở cửa thị trường quốc tế hiệu quả và phù hợp với DN quốc tế.
“Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, triển lãm chính là cơ hội để kết nối với các nhà cung cấp và thị trường tiêu thụ trong nước, giúp tìm hiểu nhu cầu xuất nhập khẩu cũng như xu hướng sử dụng linh kiện công nghiệp”- ông Ngân nhấn mạnh.
Nhằm góp phần thúc đẩy ngành CNHT Việt Nam phát triển, tới đây, Công ty Reed Tradex và Văn phòng Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO) và Cục Xúc tiến thương mại sẽ tổ chức Triển lãm CNHT Việt Nam - Nhật Bản, dự kiến thu hút sự tham gia của một lực lượng lớn DN trên thế giới, đặc biệt là DN đến từ Nhật Bản. Sự kiện hứa hẹn đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ mới mở rộng mạng lưới kinh doanh giữa DN trong và ngoài nước, đặc biệt là giữa DN Nhật Bản và DN Việt Nam; gia tăng sự cạnh tranh của ngành CNHT Việt Nam cũng như tạo cơ hội cho DN Việt Nam tận dụng phát huy được lợi thế.
Ông Phan Ngân, Giám đốc Dự án, Công ty Reed Tradex Việt Nam: Các DN trong ngành công nghiệp cần cùng nhau nỗ lực phát triển mạng lưới đối tác, phân phối kinh doanh; thúc đẩy ngành CNHT tăng trưởng, tạo nên sự bao phủ và tham gia mạnh mẽ vào chuỗi cung ứng toàn cầu. |