Hội chợ Thương mại quốc tế Việt – Trung: Dấu ấn giao thương
- Đây là lần thứ 11 Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt- Trung (Lào Cai) được tổ chức và là lần thứ 6 diễn ra tại Việt Nam. Hội chợ năm nay có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của trên 279 doanh nghiệp, đăng ký trưng bày hơn 617 gian hàng. Trong đó, phía Trung Quốc có 112 doanh nghiệp tham gia với 250 gian hàng đến từ gần 10 tỉnh. Việt Nam có 167 doanh nghiệp và 367 gian hàng đến từ nhiều địa phương trong cả nước.
Trong khuôn khổ hội chợ còn có Hội nghị Giao thương và Xúc tiến đầu tư, thương mại để doanh nghiệp 2 nước trao đổi các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực: du lịch, nông sản, thủy hải sản, phân bón, hóa chất...
Phát biểu tại lễ khai mạc hội chợ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá: “Hội chợ là hoạt động giao thương mang tầm vóc khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho Lào Cai và các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng”.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư- thương mại và du lịch tỉnh Lào Cai, cho biết: “Hội chợ đã trở thành diễn đàn hiệu quả cho hợp tác kinh tế, thương mại song phương giữa hai nước”. Một lợi thế rất lớn của Lào Cai là nằm sát thị trường Tây Nam Trung Quốc với 200 triệu người tiêu dùng, có nhu cầu nhiều loại hàng hóa. Bởi vậy, sức hút cầu nối của Lào Cai ngày càng tăng cao, thể hiện ở số lượng 500 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh thương mại với Trung Quốc trên địa bàn, trong đó có 200 doanh nghiệp nước ngoài. Ông Dũng cũng cho rằng, chính điều đó đã góp phần không nhỏ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu qua Lào Cai trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc, nhưng thương mại với Trung Quốc qua địa bàn Lào Cai 10 tháng đầu năm đạt mức xuất siêu gần 100 triệu USD và xuất khẩu đạt 534,5 triệu USD, trong khi chỉ nhập khẩu 445,7 triệu USD. Kết quả tích cực trên có đóng góp của công tác xúc tiến thương mại mà trong đó những sự kiện như hội chợ là trọng điểm. Sự kết nối kinh doanh thành công của hội chợ được thể hiện qua con số cụ thể. Kỳ hội chợ năm 2009 cũng tổ chức tại Lào Cai, tổng giá trị hợp đồng ký kết giữa hai bên đạt 114 triệu USD.
Thông qua hội chợ, nhiều doanh nghiệp đã mở thị trường tại các tỉnh miền núi phía Bắc và vươn sang thị trường Trung Quốc. Công ty Thủy sản An Phương (TP.HCM), đã tham dự hội chợ này 4 lần liên tiếp là một minh chứng cụ thể. Bà Quyền Thị Kim Quy- Phó giám đốc công ty bày tỏ: Sau mỗi lần tham dự hội chợ, công ty lại có thêm khách hàng và tín hiệu thị trường tích cực hơn, đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp lên kế hoạch phát triển hệ thống phân phối, tạo chỗ đứng vững chắc.
Không chỉ doanh nghiệp lớn mới tự tin đến sân chơi này mà doanh nghiệp nhỏ cũng nhận thấy cơ hội cho mình. Mặc dù phải bỏ ra khoản chi phí không nhỏ ngoài tiền thuê gian hàng được hỗ trợ nhưng ông Nguyễn Đức Bình, chủ một cơ sở đúc đồng nhỏ ở Đồng Sâm (Thái Bình), tràn đầy niềm tin gặp được đối tác và thậm chí là ký ngay đơn hàng.
Giao thương gia tăng tất yếu phát sinh đầu tư. Ngay trước khi hội chợ diễn ra, Công ty Logistics Kim Thành đã khởi công trung tâm logistic hiện đại trong khu thương mại- công nghiệp Kim Thành với tổng vốn đầu tư 171 tỷ đồng, năng lực 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm để đón đầu nhu cầu kho bãi hàng hóa trung chuyển dự báo sẽ tăng đột biến khi đường cao tốc Lào Cai- Hà Nội- Hải Phòng hoàn thành.
Sự kỳ vọng lớn của doanh nghiệp chính là niềm tin để Lào Cai lại có một kỳ hội chợ thành công. Theo dự báo của nhà tổ chức, tổng giá trị ký kết năm nay có thể vươn xa con số của năm 2009.
Doanh Chính