Hội nghị AEM và AEM+3: Tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho luân chuyển hàng hóa Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3: Hợp tác, đẩy lùi dịch Covid-19 |
Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có thể cho biết những kết quả quan trọng và ý nghĩa của hai Hội nghị lần này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trong khung khổ của hai Hội nghị, các Bộ trưởng đã thống nhất một cách cơ bản những yêu cầu đưa các nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường trong phát triển và hợp tác, trên cơ sở đánh giá đầy đủ diễn biến thực tiễn và cơ hội, nguy cơ đặt ra cho ASEAN và ASEAN+3. Theo đó, ASEAN và ASEAN+3 đều khẳng định sự hợp tác của các nước nội khối, cũng như ASEAN+3 là quan trọng trong việc tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng ở khu vực và trên toàn cầu.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN trực tuyến đặc biệt, các Bộ trưởng cùng đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong khu vực thảo luận khả năng thiết lập một cơ chế hợp tác mang tính công - tư giữa các Bộ trưởng với cộng đồng DN để có thể cùng xử lý nhanh nhất các vấn đề phát sinh, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại và đầu tư trong khu vực. Các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận cao về việc ASEAN tiếp tục hợp tác chặt chẽ để duy trì và tiến tới hồi phục và thúc đẩy chuỗi cung ứng trong khu vực, coi đây là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác kinh tế thời gian tới.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ trì, phối hợp với các thành viên ASEAN xây dựng bản Kế hoạch hành động Hà Nội về củng cố hợp tác kinh tế ASEAN và tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, đối phó với đại dịch Covid-19. Kế hoạch này tập trung vào đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực cụ thể: Hàng hóa thiết yếu, bao gồm cả thực phẩm, dược phẩm cũng như các chuỗi cung cấp thuốc liên quan đến dịch Covid-19; tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các nước ASEAN trong việc đối phó đại dịch; hạn chế áp dụng các biện pháp phi quan thuế đối với việc xuất nhập khẩu các loại hàng hóa thiết yếu, dược phẩm có liên quan đến dịch Covid-19; tăng cường kết nối chuỗi cung ứng trong cả ngắn và dài hạn, do xác định dịch sẽ có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ngay sau Hội nghị cấp Bộ trưởng kinh tế trong nội bộ ASEAN, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng có cuộc họp trực tuyến đặc biệt với các Bộ trưởng Kinh tế của ba nước đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo đó, các nước ASEAN và 3 nước đối tác đã thông qua Tuyên bố chung của ASEAN+3 về giảm thiểu tác động kinh tế trong bối cảnh đại dịch. Tuyên bố chung đưa ra các biện pháp nhằm kiềm chế áp dụng các biện pháp không cần thiết có thể ảnh hưởng tới dòng lưu chuyển của hàng hóa thiết yếu, thuốc và vật tư y tế trong khu vực; tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan cho dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi cung ứng nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp hạn chế nhằm mục đích phòng chống dịch Covid-19; khuyến khích xây dựng các hướng dẫn cho phép di chuyển của thương nhân qua biên giới mà không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực năng chặn sự lây lan của virus; nỗ lực tận dụng hiệu quả Quỹ Dự trữ gạo ASEAN+3 và tìm kiếm khả năng phát triển kho dự trữ vật tư thiết bị y tế thiết yếu; hỗ trợ và cho phép các DN, đặc biệt là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tận dụng công nghệ và thương mại số; thúc đẩy hợp tác hải quan để tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa ở cửa khẩu.
Để cụ thể hóa Tuyên bố chung Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3, các nước thống nhất sẽ tiếp tục xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN+3 với những biện pháp cụ thể hơn trong thời gian tới.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời các câu hỏi của báo chí trong và ngoài nước |
Trong Kế hoạch hành động Hà Nội và Tuyên bố chung của Hội nghị các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 đều nhắc tới việc đảm bảo luân chuyển hàng hóa, cũng như chuỗi cung ứng trong nội khối ASEAN và các nước đối tác. Xin Bộ trưởng cho biết, những ngành hàng nào cần ưu tiên đầu tư để đảm bảo chuỗi cung ứng này không bị gián đoạn, qua đó giúp phục hồi nền kinh tế?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cả trong hai Hội nghị đều nhấn mạnh về chuỗi cung ứng của các sản phẩm hàng hóa thiết yếu cho đời sống nhân dân, cũng như đảm bảo phòng, chống dịch bệnh của từng quốc gia và toàn cầu. Trong thời gian qua, gạo, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng phục vụ an ninh lương thực phải đối mặt một số biện pháp hạn chế trong giao thương thương mại, trong đó cả biện pháp từ các quốc gia xuất khẩu như Myanmar, Ấn Độ… Với bối cảnh mới đó, Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN và ASEAN+3 đều khẳng định cam kết không ban hành và không có chính sách mới hạn chế luân chuyển dòng hàng hóa, dịch vụ này. An ninh lương thực của Đông Nam Á, Đông Bắc Á, châu Á sẽ có cơ sở đảm bảo hiệu quả chung cho đời sống người nhân dân.
Các chuỗi cung ứng sản phẩm thiết yếu phục vụ phòng, chống dịch bệnh như y tế, vật phẩm y tế, thuốc men cũng là những nội dung đã được Việt Nam và các nước ASEAN và ASEAN+3 trao đổi và thống nhất.
Ngoài ra, một số ngành kinh tế quan trọng của các nước ASEAN và có khả năng tham gia hiệu quả trong các chuỗi cung ứng toàn cầu như một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử, công nghiệp ô tô… đều được coi là lĩnh vực ưu tiên. Các quốc gia trong ASEAN và những nước đối tác sẽ tạo cơ chế cho DN và các tổ chức tham gia chuỗi cung ứng này tiếp tục khôi phục lại sản xuất và cấu trúc lại các chuỗi cung ứng mới ở khu vực và toàn cầu.
Đặc biệt, tiếp tục có những khởi nghiệp sáng tạo để DN nhỏ và vừa thuận lợi hơn trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng như nâng cao năng lực, thông qua ứng dụng công nghệ mới từ công nghệ thông tin, thương mại điện tử, kinh tế số, từ đó tham gia hiệu quả hơn vào phân công trong hợp tác quốc tế và các đối tác trên thế giới.
Sau khi Kế hoạch hành động và Tuyên bố chung được đưa ra tại Hội nghị lần này, bước tiếp theo, các nước sẽ triển khai các kế hoạch đó như thế nào, đặc biệt là việc thiết lập chuỗi cung ứng mới mà Bộ trưởng vừa đề cập tới?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sau các Hội nghị này, Chính phủ và Bộ trưởng các nước sẽ nghiên cứu kỹ để xây dựng kế hoạch phù hợp giữa khu vực DN và khu vực nhà nước. Từ đó, sẽ tiếp tục đưa ra những nội dung cụ thể trong xây dựng chính sách điều hành. Đặc biệt sẽ tính toán đảm bảo những khuyến nghị, kế hoạch này đáp ứng yêu cầu trước mắt nhưng đồng thời hướng tới mục tiêu lâu dài trong tái cơ cấu lại, đảm bảo bền vững hơn của các ngành kinh tế, chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia ở khu vực và toàn cầu, với vai trò của khu vực DN.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!