Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 13 đạt được nhiều thỏa thuận tích cực
Chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong khuôn khổ hội nghị, Bộ trưởng các quốc gia thành viên đã đánh giá lại việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt quan tâm tới giải quyết tình trạng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới. Các bên cũng tái khẳng định cam kết sẽ đảm bảo đạt được mục tiêu và duy trì nguyên tắc của Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới, thông qua đề xuất của Indonesia về xây dựng Trung tâm Điều phối ASEAN để kiểm soát tình trạng này.
Theo thông tin từ ban tổ chức, các kết quả chính mà Hội nghị đã đạt được bao gồm: Thông qua Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu năm 2015 tại Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 21, đệ trình lên Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC) để sau đó trình lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 vào tháng 11 năm 2015 để thông qua.
Các nước ASEAN ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về việc xây dựng dự thảo Tuyên bố ASEAN về Chương trình nghị sự Bền vững môi trường và Biến đổi khí hậu sau 2015. Các nước ASEAN đã nhất trí với dự thảo Tuyên bố ASEAN về Chương trình nghị sự Bền vững môi trường và Biến đổi khí hậu sau năm 2015 (do Việt Nam đề xuất sáng kiến) và đề nghị trình lên Chủ tịch Hội đồng Cộng đồng văn hóa xã hội ASEAN (ASCC) để sau đó trình lên Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 vào tháng 11 năm 2015 để thông qua.
Bộ trưởng Môi trường các nước đã xem xét và nhất trí với dự thảo Chiến lược ASEAN –Trung Quốc về Hợp tác môi trường giai đoạn 2016-2020.
Thông qua việc lựa chọn kỳ quan thiên nhiên Núi Timpoong Hibok-Hibok (Philippines) và Vườn Quốc gia Way Kambas là Vườn Di sản ASEAN theo thứ tự là 36 và 37. Việt Nam sẽ đề cử Vườn Quốc gia Bái Tử Long là Vườn di sản ASEAN mới và sẽ trình các tài liệu đề cử cần thiết theo các tiêu chí và hướng dẫn của Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) về Vườn di sản ASEAN.
Phê chuẩn Khung Tiêu chí giám sát thực hiện quản lý tổng hợp (IWRM) và giao ASOEN phối hợp với Nhóm công tác ASEAN về Quản lý tài nguyên nước (AWGWRM) lập kế hoạch và xây dựng các hoạt động hỗ trợ để triển khai Khung chỉ số giám sát thực hiện IWRM.
Hội nghị cũng đã ghi nhận: những bước tiến trong các vấn đề liên quan đến Cộng đồng ASEAN sau 2015; hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động chiến lược ASEAN về Hợp tác môi trường (ASPAPEC), Báo cáo hiện trạng môi trường ASEAN lần thứ 5, và Chương trình công tác ASEAN-UN về Môi trường và Biến đối khí hậu sau 2015; thông qua các hành động được đề xuất tiếp theo về rà soát các cơ quan ASEAN: Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN sẽ được tổ chức hai năm một lần. Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN+3 sẽ được tổ chức liền kề với Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN, Hội nghị các bên tham gia Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói mù xuyên biên giới sẽ được tổ chức hàng năm.
Hội nghị hoan nghênh sự tham gia của Ban thư ký ASEAN tại Phiên cấp cao Hội nghị Biến đổi khí hậu Paris. Tổng thư ký ASEAN sẽ có bài trình bày ngắn gọn. Malaysia trên cương vị Chủ tịch ASEAN sẽ thay mặt các nước thành viên ASEAN đọc Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu 2015 tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 (UNFCCC COP21).
Hội nghị cũng đánh giá các chương trình hợp tác với các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cụ thể là chương trình các nhà lãnh đạo ASEAN + 3 lần thứ 8 về sản xuất và tiêu dùng bền vững, thực hiện các hướng dẫn chiến lược quản lý tổng hợp tài nguyên nước ASEAN. Đối với hợp tác ASEAN-Trung Quốc: Tổng hợp và đánh giá tình hình thực hiện chiến lược hợp tác ASEAN-Trung Quốc về môi trường; Xây dựng chiến lược hợp tác ASEAN-Trung Quốc về môi trường 2016-2020. Đối với hợp tác ASEAN –Nhật Bản: Triển khai Chương trình hợp tác các thành phố kiểu mẫu bền vững về môi trường (năm thứ 2) và các hỗ trợ tiếp theo đối với các thành phố bền vững về môi trường (Nhật Bản); Triển khai dự án Tăng cường năng lực phân loại về rêu, dương xỉ và các loài côn trùng quan trọng có giá trị kinh tế (Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN); Triển khai dự án Phát triển các vườn Di sản ASEAN thông qua tăng cường năng lực và chia sẻ thông tin (Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN). Đối với hợp tác ASEAN-Hàn Quốc: Triển khai dự án hợp tác ASEAN-Hàn Quốc về phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái tại các vùng nhiệt đới của ASEAN; Triển khai dự án Kiểm kê đa dạng sinh học tại khu vực ASEAN; Triển khai việc hợp tác Giáo dục về phát triển bền vững.
Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN lần thứ 14 và Hội nghị Bộ trưởng môi trường ASEAN+3 lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Brunei Darussallam vào năm 2017.