Hội nghị - Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh
Chiều ngày 26/9, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo triển khai Luật Điện ảnh; đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP khu vực phía Bắc.
Hội nghị - Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh thu hút sự quan tâm của các đại biểu, giới chuyên gia |
Để việc thực thi Luật Điện ảnh đạt hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cho biết, Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006. Luật Điện ảnh năm 2022 có 10 điểm mới cơ bản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Thứ nhất, về khái niệm, Luật mới đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung các khái niệm thuật ngữ quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 và bổ sung thuật ngữ “Công nghiệp điện ảnh”, “Phân loại phim”, “Phim Việt Nam”, “Trường quay” và “Địa điểm chiếu phim công cộng”. Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung khái niệm “Phim” đóng vai trò quan trọng, qua đó xác định rõ những loại sản phẩm nào trong lĩnh vực nghe nhìn được Luật Điện ảnh điều chỉnh.
Thứ hai, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh nhằm tạo sự linh hoạt trong chính sách của nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; Luật đã thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh…
Thứ ba, Luật quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ Luật.
Thứ tư, về sản xuất phim cũng đã có những điểm mới quan trọng được quy định tại Luật.
Thứ năm, về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam (Điều 41).
Thứ sáu, về phát hành phim (Chương III), Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim.
Thứ bảy, Luật đã quy định rõ đối tượng chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng, đồng thời quy định thêm về các yêu cầu, điều kiện cần bảo đảm khi phổ biến phim trên không gian mạng…
Thứ tám, về lưu chiểu, lưu trữ phim (Chương V), định dạng kỹ thuật của phim thay đổi từ chất liệu phim nhựa sang phim phim kỹ thuật số nên Luật bổ sung một số quy định mới nhằm phù hợp với công nghệ điện ảnh như thời hạn lưu chiếu đối với phim nhập khẩu căn cứ theo thời hạn bản quyền phổ biến tại Việt Nam…
Thứ chín, về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam (Điều 38), so với Luật điện ảnh năm 2006, Luật Điện ảnh năm 2022 đã mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia quảng bá, tôn vinh điện ảnh trong nước.
Thứ mười, về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, so với Luật Điện ảnh năm 2006, Luật đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích của Quỹ (Điều 44) và nguyên tắc hoạt động của Quỹ (Điều 45) nhằm nâng cao tính khả thi.
Ông Lê Thanh Liêm – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch cũng có bài trình bày tóm tắt nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.
Sau phần trình bày của các diễn giả đã nhận được sự thảo luận sôi nổi của đại biểu, đặc biệt xoay quanh Điều 11 quy định về tỷ lệ thời lượng phát sóng phim Việt Nam so với phim nước ngoài, khung giờ phát sóng phim Việt Nam, thời lượng và khung giờ phát sóng phim cho trẻ em trên các kênh truyền hình trong nước.
Theo quy định, thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam cần đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình. Phim truyện Việt Nam được ưu tiên phát sóng vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam - nêu: Việc quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình là quá cao và rất khó khả thi, nhất là với đài truyền hình có quy mô vừa và nhỏ, các kênh truyền hình được sản xuất để phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền. Hiện nay, trừ Đài Truyền hình Việt Nam, các đài truyền hình địa phương khó có thể đảm bảo thời lượng phát sóng nói trên.
Vì vậy, ông Hải đề nghị, tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam nên giảm xuống còn 10% và cần có sự đồng bộ với chính sách khuyến khích phát triển điện ảnh trong nước, cần xem xét quy định ưu đãi thuế và ưu đãi khác như hoàn một phần chi phí sản xuất phim đối với các dự án sản xuất phim trong nước.
Ý kiến về tỷ lệ phim của ông Hải đã nhận được sự đồng tình của nhiều Đài truyền hình, cơ quan quản lý nhà nước. Có ý kiến phân tích, trong bối cảnh ngành công nghiệp sáng tạo đang rất cạnh tranh thì việc quy định thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam đạt ít nhất 30% so với tổng thời lượng phát sóng phim của mỗi đài truyền hình là rào cản để ngành điện ảnh tiếp cận thị trường, hạn chế sự phát triển bền vững...
Bên cạnh tỷ lệ phát sóng, vấn đề thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cũng được nhiều đại biểu cho là chưa hợp lý. Theo Điều 21 về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh thì Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được hình thành từ các nguồn: Nhà nước hỗ trợ vốn ban đầu khi mới thành lập Quỹ từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa; huy động đóng góp tự nguyện, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn thu nhập hợp pháp khác; trích 3% từ doanh thu bán vé của các phim nhập khẩu chiếu rạp tại Việt Nam, 3% từ phí thẩm định và phân loại phim, 1% tiền thuê bao của phim phổ biến xuyên biên giới, 0.05 % tiền thuê bao của truyền hình trả tiền, 0.5 % doanh thu từ hoạt động quảng cáo trong chương trình phim chiếu trên truyền hình, 5 % phí hậu kiểm.
Nhiều đại biểu cho rằng, điều này không chỉ làm khó các đơn vị truyền hình mà còn tăng thêm các khoản chi phí cho người dùng.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét làm rõ thêm nhiều vấn đề quanh phân loại phim, quy trình thực hiện dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, phổ biến phim trên không gian mạng…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Tạ Quang Đông - cho biết, Ban tổ chức sẽ tiếp thu các ý kiến và có những điều chỉnh phù hợp trước khi trình dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.