Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, nhằm xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng sản xuất trong nước và tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thị phần cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, có tiềm năng của các địa phương, vùng miền, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai chương trình Kết nối cung cầu liên tục trong suốt 6 năm qua.
Theo Báo cáo của Sở Công Thương thành phố, với 1.761 hợp đồng đã được ký kết trong 6 năm qua, chương trình đã khẳng định được tính thiết thực của mình. Trong đó, năm 2016 là một điển hình khi đã kết nối đưa 80.000 tấn vải thiều của các tỉnh phía Bắc tiêu thụ tại thị trường các tỉnh phía Nam; tiêu thụ 10.000 con heo mỗi ngày cho các tỉnh Đông – Tây Nam Bộ tại thị trường thành phố. Mặt khác, chương trình còn tham gia tổ chức đánh giá chất lượng thủy hải sản, góp phần hỗ trợ tiêu thụ thủy hải sản cho bà con khu vực miền Trung sau sự cố môi trường biển…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đánh giá cao hiệu quả của chương trình |
Đánh giá tại “Hội nghị Kết nối cung – cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2017” vừa diễn ra ngày 9/12/2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ sản xuất tại các địa phương, nhất là các địa phương có các sản phẩm đặc sản, sản xuất nông sản lớn tiếp cận thị trường tiêu thụ, kết nối bền vững với các doanh nghiệp phân phối, Bộ Công Thương rất khuyến khích các địa phương tổ chức các hoạt động kết nối cung – cầu, hợp tác thương mại để thúc đẩy cho hoạt động sản xuất hàng hóa trong nước ngày càng lớn mạnh.
“Với 100% sản phẩm giới thiệu, kết nối là hàng Việt Nam, đây thực sự là kênh xúc tiến, mở rộng tiêu thụ cho hàng Việt Nam trong cả nước và kết nối vào các kênh xuất khẩu ra nước ngoài. Hoạt động kết nối này đồng thời thực hiện đúng tinh thần Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó vấn đề xúc tiến tiêu thụ hành hóa, ổn định nguồn hàng cho thị trường, chúng ta đã chú trọng hơn vấn đề chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản thực phẩm được lựa chọn kết nối nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gậy hại cho sức khỏe con người trước tình trạng sử dụng các chất cấm trong sản xuất, nuôi trồng nông thủy sản đang diễn ra phức tạp”- Thứ trưởng cho hay.
Việc kết nối tiêu thụ, xây dựng chuỗi cung ứng các sản phẩm nông, thủy sản an toàn vừa tạo nguồn hàng an toàn toàn cho người dân, vừa bảo vệ các nhà sản xuất thực hiện tốt các yêu cầu, quy định về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn thực hiện sản xuất tốt (tiêu chuẩn GAP). Đây là cơ sở cho sản xuất nông nghiệp một cách bền vững.
“Từ phía Bộ Công Thương, chúng tôi luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ triển khai công tác kết nối cung – cầu nhằm hỗ trợ hàng hóa cho doanh nghiệp, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến Thương mại, kết hợp bình ổn hàng hóa dịp lễ, Tết của TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh thành”- Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định.
Cam sành Hà Giang được dán tem truy xuất nguồn gốc |
Bên cạnh việc thực hiện Chương trình Kết nối cung – cầu, Bộ Công Thương cũng đề nghị Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp triển khai kết hợp chặt chẽ với Chương trình Bình ổn thị trường tạo nguồn hàng ổn định, giá cả hợp lý cung ứng cho thị trường dịp trước, trong và sau Tết Mậu Tuất. Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác kết nối cung- cầu với các chương trình xúc tiến thương mại nhằm không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng sản xuất trong nước.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, song song với công tác kết nối cung cầu, cần tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là đối với các vấn đề về chất lượng, an toàn thực phẩm và giá bán hàng hóa trên thị trường dịp cuối năm và Tết Mậu Tuất.
Đại diện cho thành phố, ông Phạm Thành Kiên- Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- cho biết, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi thực phẩm an toàn, truy xuất từ hoạt động sản xuất, nuôi trồng đến hoạt động phân phối, triển khai hệ thống định vị và truy xuất nguồn gốc hướng tới xây dựng thương hiệu đối với những mặt hàng nông sản, đặc sản của từng địa phương, vùng miền cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu nước ngoài.
Dự kiến, đến hết ngày 10/12, chương trình sẽ có hơn 500 hợp đồng kết nối được ký kết với tất cả các mặt hàng nông lâm thủy sản và công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ.