Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương nhất quán (*)
Tin hoạt động 22/01/2016 16:47
Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán và là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại và hợp tác kinh tế quốc tế của Đảng ta trong quá trình đổi mới đất nước. Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, đất nước chúng ta đã từng bước, chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Những kết quả đạt được trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.
Nhìn lại chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, chúng ta thấy rõ hơn những thành tựu đạt được, cùng với những thuận lợi, khó khăn, những cơ hội, thách thức để từ đó phát huy các kết quả đã đạt được, tiếp tục chủ động và tích cực để đạt được những thành tựu mới, vững chắc hơn trong thời gian tới.
Với ý nghĩa đó, tại diễn đàn Đại hội ngày hôm nay, tôi xin tham luận về chủ đề “Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, những vấn đề đặt ra cho giai đoạn tới” với những nội dung chính như sau:
1. Nhân tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn vừa qua là hội nhập kinh tế quốc tế gắn liền với sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng
Hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương lớn của Đảng ta, là nội dung trọng tâm của hội nhập quốc tế và là một bộ phận quan trọng, xuyên suốt của công cuộc đổi mới. Trong gần 30 năm đổi mới vừa qua, các chủ trương cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế được nêu tại các kỳ Đại hội Đảng; Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành ba Nghị quyết chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại hội VI mở đầu cho thời kỳ đổi mới đất nước đã đưa ra chủ trương tranh thủ những điều kiện thuận lợi về hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật, tham gia ngày càng rộng rãi vào việc phân công và hợp tác quốc tế trong “Hội đồng tương trợ kinh tế và mở rộng với các nước khác".
Đại hội VII định hướng “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ với các quốc gia, các tổ chức kinh tế quốc tế".
Tại Đại hội VIII, mở ra chủ trương “Xây dựng một nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới”.
Đại hội IX nhấn mạnh “chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Ngày 27-11-2001, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW “Về hội nhập kinh tế quốc tế”.
Đại hội X nhấn mạnh chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác”.
Ngày 05-02-2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”.
Đại hội XI đã đề ra đường lối đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới, trong đó có chủ trương rất quan trọng là “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”. Từ “hội nhập kinh tế quốc tế” của các kỳ đại hội trước, chuyển sang “hội nhập quốc tế” một cách toàn diện là một phát triển quan trọng về tư duy đối ngoại của Đảng ta.
Ngày 10-4-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế. Đây là văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, làm rõ và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng, toàn dân về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nghị quyết đã xác định rõ hội nhập quốc tế sẽ được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt, hội nhập kinh tế phải gắn với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế.
2. Thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Việt Nam đã hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia hầu hết các tổ chức, định chế quốc tế và khu vực chủ yếu trên thế giới:
- Việt Nam gia nhập ASEAN vào tháng 7-1995. Sự kiện này được coi là một bước đột phá về hành động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Ngày 22/11/2015, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kua-la-Lum-pur chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN, trong đó có Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào ngày 31/12/2015. Việc tham gia ASEAN và thực hiện các cam kết nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN sẽ đóng góp thiết thực cho việc góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cải thiện môi trường luật pháp trong nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như làm cơ sở, tiền đề giúp Việt Nam tham gia các khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương khác.
- Việt Nam là thành viên tham gia sáng lập và là một thành viên tích cực của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996; Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 1998. Việt Nam đã được đánh giá là một trong những thành viên năng động, đã có nhiều sáng kiến hợp tác và đóng góp tích cực cho các Diễn đàn hợp tác quốc tế quan trọng này.
- Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu WTO vào tháng 01/2007, đánh dấu sự hội nhập toàn diện của Việt Nam vào kinh tế thế giới. Với việc gia nhập WTO, Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách chính sách kinh tế, thương mại, đầu tư đồng bộ, theo hướng minh bạch và tự do hóa hơn, góp phần quan trọng cho vỉêc xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
- Phù hợp với xu hướng thiết lập các khu vực thương mại tự do trên thế giới, tính đến nay, Việt Nam đã tham gia thiết lập 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 56 quốc gia và nền kinh tế trến thế giới, trong đó 6 FTA do ta chủ động tham gia ngoài khuôn khổ nội khối ASEAN hoặc với nước đối tác của ASEAN. (12 FTA Việt Nam đã tham gia gồm: WTO, TPP, Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA), ASEAN-Hàn Quốc, ASEAN-Nhật Bản, ASEAN-Úc-Niu-di-lân, ASEAN-Ấn Độ, Việt Nam-Chi-lê, Việt Nam-Nhật Bản, Việt Nam-EU, Việt Nam-Liên minh kinh tế Á-Âu, Việt Nam-Hàn Quốc).
- Việt Nam đã hoàn tất đàm phán để ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là một Hiệp định được kỳ vọng sẽ trở thành một khuôn khổ thương mại toàn diện, có chất lượng cao và là khuôn mẫu cho các Hiệp định thế kỷ 21. Việc tham gia vào Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình hội nhập kinh tế khu vực đem lại, đồng thời Việt Nam có thêm điều kiện, tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng.
3. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế về cơ bản đã đạt được những kết quả tích cực và dài hạn trong những lĩnh vực sau:
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế gần 30 năm qua đã mở ra không gian phát triển mới cho nền kinh tế Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác sâu, rộng với các quốc gia trong khu vực và thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế với một số tác động tích cực chủ yếu như sau:
- Tác động mạnh đến sự tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường trong một số lĩnh vực cụ thể như: công nghiệp, thương mại, các ngành dịch vụ,…; thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa theo hướng hiện đại, theo đó tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị và hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn; thúc đẩy thương mại, tăng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và mở rộng quan hệ hợp tác phát triển (ODA).
- Góp phần «lan tỏa» tích cực trong nền kinh tế, nhất là tạo thêm việc làm, các ngành có tốc độ tăng việc làm cao nhất cũng là những ngành mở cửa nhanh hơn hoặc những ngành áp dụng công nghệ mới để cạnh tranh, tạo tài sản sản xuất và hạ tầng như công nghệ chế tạo, xây dựng, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ; tác động tích cực tới tiền lương và thu nhập của mọi tầng lớp cư dân, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh (quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm).
- Tiếp thu được khoa học - công nghệ mới và kỹ năng quản lý tiên tiến trên nhiều lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, kỹ thuật, văn hóa - xã hội… Góp phần đào tạo cho Việt Nam có được đội ngũ nguồn nhân lực có trình độ và năng lực cả về chuyên môn lẫn quản lý.
- Góp phần hoàn thiện thể chế trong nước trên góc độ: pháp luật và tổ chức bộ máy, cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tạo hiệu ứng tích cực thúc đẩy cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hoàn thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế nước ta trong dài hạn, tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng, minh bạch, dễ dự đoán hơn và ngày càng phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế..
- Các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất khu vực, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tích cực, tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng chế biến, chế tạo có giá trị và hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao hơn (Năm 2015, công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành động lực chính cho tăng trưởng GDP).
4. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam vẫn còn những khó khăn và hạn chế, ảnh hưởng đến tiến trình cũng như hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, hội nhập kinh tế quốc tế trong một số lĩnh vực vẫn còn một số hạn chế, như:
- Tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng chưa thực sự vững chắc, chất lượng tăng trưởng và hiệu quả xuất khẩu còn thấp, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tuy đã chuyển dịch mạnh sang hàng chế biến, chế tạo, nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nhập siêu vẫn là nguy cơ, còn không ít bất cập trong cơ cấu nhập khẩu. Về cơ bản nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào tăng trưởng thương mại, vào khai thác tài nguyên, khoáng sản, xuất khẩu hàng nông sản thô với hàm lượng chế biến thấp và gia công hàng hóa ở công đoạn thấp của chuỗi giá trị (dệt may, da giày, điện tử…).
- Năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung còn thấp, chịu sức cạnh tranh lớn từ doanh nghiệp nước ngoài, dẫn đến một số ngành trong nước bị ảnh hưởng do tác động của việc mở cửa thị trường, nhập khẩu tăng mạnh, song thu ngân sách từ thuế nhập khẩu bị giảm,… Năng suất lao động tăng chậm, thu hút đầu tư vẫn dựa vào lợi thế nhân công và chi phí mặt bằng rẻ, chi phí năng lượng thấp đã ảnh hướng nhiều đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp, sản phẩm.
- Khả năng tích lũy vốn nhân lực và tiến bộ công nghệ của Việt Nam còn rất khiêm tốn, biểu hiện ở mức năng suất lao động thấp và trình độ công nghệ của đa số doanh nghiệp còn khá lạc hậu.
- Các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực chưa được triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong một chiến lược tổng thế.
- Chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng chậm được cải thiện. Năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập.
5. Đề xuất, kiến nghị về hội nhập kinh tế quốc tế cho giai đoạn tới:
Trong thời gian tới, tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Các quốc gia tham gia ngày càng sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Xuất hiện nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, các định chế tài chính quốc tế, khu vực, các hiệp định song phương, đa phương thế hệ mới. Trong khi đó, Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong Cộng đồng kinh tế ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước.
Trong giai đoạn vừa qua, thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế; tiến hành nghiên cứu, đàm phán và ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế thương mại quốc tế. Từ năm 2010 đến nay, chúng ta đã chuyển sang giai đoạn chủ động đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều nước trong khu vực và thế giới, tạo điều kiện quan trọng cho cải cách kinh tế trong nước và mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp, nâng cao lợi thế cạnh tranh của hàng hóa. Hơn thế nữa, kết quả hội nhập kinh tế to lớn đó còn giúp Việt Nam thực hiện chiến lược cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng cân bằng hơn, thúc đẩy cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm. Do vậy, trong giai đoạn mới đòi hỏi chúng ta phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc tận dụng các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, vuợt qua các khó khăn thách thức, giảm thiểu các tác động tiêu cực của quá trình hội nhập, cụ thể:
Về quan điểm, đường lối
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết 22-NQ/TW, chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” phải là một nội dung trọng tâm trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, với mục tiêu thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và phát triển bền vững; đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh; tích cực tham gia sâu và rộng vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Trong phát triển kinh tế và thương mại, cần chú trọng việc đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ nước ta trên trường quốc tế.
Về các giải pháp cụ thể:
Một là, các Bộ, ngành và địa phương cần chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch toàn diện và cụ thể thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước có nhiều thay đổi lớn. Đồng thời, cần quán triệt chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong từng giai đoạn về hội nhập quốc tế, xác định vai trò trọng tâm của hội nhập kinh tế quốc tế trong tiến trình hội nhập trong quan điểm, nhận thức và hành động của tất cả các các cấp, các ngành, các ngành, địa phương, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp; cần có sự thống nhất mục tiêu hội nhập từ trung ương đến địa phương.
Hai là, gắn kết giữa hội nhập kinh tế quốc tế với đẩy mạnh cải cách trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hôi đất nước; nhằm bảo đảm tầm nhìn dài hạn về các mục tiêu phát triển kinh tế, mục tiêu chính trị ngoại giao và mục tiêu chiến lược trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ba là, chú trọng thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mức độ cam kết và tự do hóa thương mại ngày càng cao hơn, đồng thời có các điều chỉnh thương mại trên cơ sở cam kết với các tổ chức quốc tế và khu vực để đạt được hiệu quả cao nhất trong việc thực hiện các cam kết thương mại.
Bốn là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nhằm thực thi có hiệu quả các cam kết hội nhập, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, ngày càng phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Năm là, tận dụng tối đa các cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế nhằm mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp và sản phẩm.
Sáu là, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu, đánh giá và dự báo các vấn đề mới, các xu thế vận động của hội nhập, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết thương mại, các FTA ở cấp độ cao hơn để có các điều chỉnh chính sách và biện pháp phù hợp; hoàn thiện hệ thống quản lý, điều hành thị trường đủ năng lực, hoạt động hiệu quả để bảo vệ thị trường trong nước, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh, gắn với bảo vệ môi trường.
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hóa của Đảng, trong đó, “chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn liền với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ” là chủ trương định hướng cơ bản, lâu dài cho những năm tiếp theo trong quá trình hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng vào mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, góp phần thực hiện lời căn dặn và mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dân tộc Việt Nam sẽ bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu.
(*) Tít bài do Tòa soạn đặt