Hội thảo kinh tế thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Brazil
Tham dự tại Hội thảo có Phó Thống đốc bang Maranhão - Carlos Brandão, Bộ trưởng Bộ Công Thương bang Maranhão - Simplicio Arsujo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và đông đảo Lnah đạo các Cơ quan Quản lý Bang Maranhap và các Sở Ban ngành Thành phố São Luiz cùng gần 100 doanh nghiệp hàng đầu của bang.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc bang Maranhão Carlos Brandão bày tỏ sự khâm phục của mình đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trong khôi phục, xây dựng đất nước và bày tỏ mong muốn hợp tác toàn diện với Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công Thương bang Maranhão - Simplicio Arsujo phát biểu nêu bật tiềm năng kinh tế thương mại của Bang Maranhao và những ưu tiên hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực phát triển công nghệ, các ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Braxin - Nguyễn Văn Kiền đã phát biểu nêu những thành tựu của công cuộc đổi mới, những thuận lợi và thách thức trong phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Brazil nói chung cũng như với bang Maranhão nói riêng; quan hệ giữa Việt Nam và Brazil kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (1989). Quan hệ thương mại giữa hai nước đã phát triển nhanh chóng, từ mức 1 tỷ USD trong năm 2010 tăng lên 2,4 tỷ USD trong năm 2013 và năm 2014 đạt 3,35 tỷ USD. Brazil hiện nay là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Mỹ La-tinh và lớn thứ hai ở châu Mỹ.
Tại Hội thảo, Tham tán Thương mại ĐSQ Việt Nam tại Brazil - Phạm Bá Uông đã trình bày về Hội nhập kinh tế của Việt Nam, cơ hội và biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Brazil, giải đáp các câu hỏi của các doanh nghiệp.
Braxin là thị trường lớn, trọng điểm xuất khẩu hàng tiêu dùng và là thị trường cung cấp nguyên liệu quan trọng cho sản xuất của Việt Nam ở Nam Mỹ, với dân số 204 triệu người, quy mô nền kinh tế GDP lớn thứ 7 trên thế giới (trên 2,3 ngàn tỷ USD), giàu tài nguyên, nguyên liệu, tiềm năng lớn. Tổng dung lượng thị trường nhập khẩu đạt 229 tỷ USD/ năm 2014. Quan hệ Thương mại Việt Nam - Brazil tăng khá nhanh, năm 2000 tổng kim ngạch 2 chiều đat 26,1 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 19,1 triệu USD nhập khẩu đạt 7 triệu USD. Đến năm 2014, tổng kim ngạch đat 3,35 tỷ USD, tăng 128,3 lần so với năm 2000, trong đó gía trị xuất khẩu đạt 1,48 tỷ USD, tăng 34,2 % so với cùng kỳ.
Trong quý I/2015, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 1021,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Braxin đạt 430 triệu USD tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2014, nhập khẩu đạt 591,5 triệu USD, tăng 40,7% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh kinh tế nước sở tại và thương mại thế giới gặp khó khăn, tăng trưởng yếu, với quyết tâm của giới doanh nghiệp trong XTTM, dự báo tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Brazil có nhiều triển vọng vượt mốc 4 tỷ USD năm 2015. Trong những năm qua, công tác thâm nhập thị trường có nhiều nỗ lực vượt bậc, tuy nhiên thị phần hàng xuất khẩu của ta chỉ chiếm 0,64%, chưa có nhiều hàng hóa Việt Nam về tới vùng sâu vùng xa của Brazil nên còn nhiều cơ hội và tiềm năng chưa khai thác hết.
Maranhão là bang phía Đông Bắc Brazil, có diện tích tương đương Việt Nam, nhưng dân số chỉ gần 7 triệu người, có cảng biển nước sâu lớn thứ hai ở Brazil, là cửa ngõ vận tải đường biển của Braxin với thế giới. Có nhiều tiềm năng hợp tác với Việt Nam về các lĩnh vực như phát triển lúa nước, thủy sản, viễn thông, khai khoáng, dệt may, đồ gỗ, điện tử, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi...
Trong khuôn khổ Tuần lễ hoạt động của Đại sứ quán tại Bang Mararanaho, Nghị viện bang Maranhão, Brazil (bang của Brazil có Thống đốc là đảng viên Đảng Cộng sản Brazil) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh Việt Nam. Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Nghị viện bang - Othelino Neto và Chủ tịch Đảng Cộng sản Brazil bang Maranhão đều bày tỏ sự khâm phục và ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam đã anh dũng, kiên cường trong cuộc đấu tranh giành, bảo vệ độc lập dân tộc và thu được những thành tựu to lớn trong xây dựng lại đất nước, đồng thời nhấn mạnh mong muốn phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị với Việt Nam.