Bộ Y tế họp khẩn về bệnh đậu mùa khỉ Vì sao WHO không khuyến cáo tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ rộng rãi? |
Mới đây, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Để hiểu kỹ hơn về bệnh dịch này, cũng như cách phòng chống, phóng viên Vuasanca đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Phạm Quang Thái – Phó Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ TW.
Đến thời điểm này Việt Nam chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên trong bối cảnh 1 số nước châu Á đã có nhiều ca nhiễm, cùng với việc nước ta bỏ khai báo y tế. Xin ông đánh giá nguy cơ căn bệnh này tại Việt Nam?
PGS.TS Phạm Quang Thái – Phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ TW |
Chúng ta đã thấy nhiều nước trên thế giới ghi nhận bệnh đậu mùa khỉ. Đến thời điểm này, theo báo cáo con số đã vượt quá 16.000 trường hợp. Tuy nhiên, đây chỉ là số báo cáo và chỉ nằm trong một số nhóm nguy cơ (người bệnh có nguy cơ và đến các cơ sở y tế khám, điều trị nên đã được ghi nhận vào hệ thống), còn rất nhiều người khác chưa thông báo đến cơ sở y tế, cho nên số ghi nhận được này chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Với số lượng bệnh nhân có chiều hướng tăng lên và việc giao thương dễ dàng như hiện nay thì chuyện bệnh xâm nhập vào Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Sẽ có những người bệnh xuất hiện trong thời gian tới nhưng chưa biết được khi nào sự xâm nhập diễn ra, đấy chính là sự nguy hiểm mà toàn bộ hệ thống y tế cũng như các ban ngành cần có sự vào cuộc thống nhất trong thời gian tới để đảm bảo phát hiện sớm và phản ứng kịp thời.
Như ông vừa chia sẻ thì nguy cơ ghi nhận ở nước ta hoàn toàn có thể, song thực tế hiện nay vẫn chưa nhiều người biết về dấu hiệu, triệu chứng của căn bệnh. Vậy ông cho biết mối nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ? nguyên nhân mắc bệnh và thời gian ủ bệnh?
So với bệnh đậu mùa trước đây trong quá khứ mà chúng ta đã hoàn toàn thanh toán được thì bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng khá giống, tuy nhiên khả năng lây nhiễm, triệu chứng và biến chứng của bệnh thấp hơn nhiều và thời gian ủ bệnh cũng dài hơn so với bệnh đậu mùa.
Cụ thể, thời gian ủ bệnh từ 5 – 21 ngày, phần lớn sẽ phát bệnh trong khoảng 6-14 ngày, nhưng cũng có trường hợp cá biệt phải 28 ngày sau mới phát bệnh.
Bên cạnh đó, khá nhiều trường hợp triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người không nghĩ đến nguy cơ đã mắc đậu mùa khỉ và vẫn tham gia sinh hoạt bình thường, tiếp xúc nhiều người dẫn tới việc lây lan bệnh.
Về triệu chứng rõ nhất của bệnh là sốt và phát ban. Dấu hiệu sốt có ở hầu hết các trường hợp kèm theo đau đầu dữ dội, nổi hạch, đau lưng-cơ, mệt mỏi, suy nhược. Giai đoạn phát ban có thể qua các thể bệnh khác nhau từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), và đóng vảy khô và bong ra. Số lượng: một vài đến vài nghìn. Các tổn thương có thể liên kết với nhau cho đến khi các mảng da lớn bong ra. Có những thể nhẹ (một vài nốt) nhưng cũng có nhiều trường hợp khác nặng hơn, khi mụn mủ nhiều lên tới mức trên 250 nốt tổn thương và không thể tự làm các hoạt động bình thường được là đã sang tình trạng nặng. Khi đó người bệnh phải điều trị tích cực trong bệnh viện.
Triệu chứng rõ nhất của bệnh đậu mùa khỉ là sốt và phát ban |
Để chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, ông có những khuyến cáo gì?
Theo tôi, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ cần hoạt động phối hợp của rất nhiều ban ngành và sự vào cuộc tích cực của người dân. Thực tế, để phòng bệnh có nguồn gốc từ động vật cần có sự phối hợp của các cơ quan liên ngành như thú y với y tế, cũng như các ban ngành chức năng khác trong việc phòng chống bệnh tật.
Tuy nhiên nếu nhìn ở góc độ người dân thông thường thì phải lưu ý, tất cả những biện pháp vệ sinh thông thường cần phải được thực hiện. Bởi không chỉ bệnh đậu mùa khỉ mà nhiều bệnh truyền nhiễm khác đều xuất phát từ vấn đề vệ sinh.
Bên cạnh vấn đề vệ sinh cá nhân thì bất cứ người nào có dấu hiệu đáng lo ngại, như sốt, đau đầu, phát ban sau đó ban thành mụn nước và có mủ và thêm nữa có tiền sử đến vùng dịch hay tiếp xúc người nghi mắc bệnh thì cần thông báo cho y tế và phải đến khám sớm nhất có thể. Bản thân những người bệnh này phải tránh bội nhiễm thông qua thực hiện tốt vấn đề vệ sinh cá nhân và tránh lây cho những người khác, bởi vì bệnh có thể lây qua vết tổn thương trên da/niêm mạc, qua dịch tiết, hô hấp (vấn đề lây qua hô hấp hiện chưa rõ ràng) và lây nhiễm từ mẹ sang con. Trong giai đoạn chưa có sẵn vắc xin để tiêm phòng, mọi biện pháp phòng ngừa đều được nhấn mạnh trong đó bao gồm cả việc khai báo và khoanh vùng cách ly nếu cần.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến con đường lây từ động vật sang người. Con đường lây này là một nguyên nhân chính cho sự lưu hành dịch tại các nước châu Phi và gần đây nhất là vụ dịch tại Mỹ. Vì vậy khi nuôi các vật nuôi trong nhà phải hết sức lưu tâm về nguồn gốc; đồng thời trong quá trình nuôi nếu phát sinh vấn đề về sức khỏe cần nghĩ đến tình huống lây bệnh từ động vật sang người, việc khai báo y tế cũng như đến khám các cơ sở y tế có chức năng là rất cần thiết.
Trân trọng cảm ơn ông!