Hơn 30% vốn FDI tập trung vào Đồng bằng sông Hồng
Hơn 30% vốn FDI tập trung vào Đồng bằng sông Hồng
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện cả nước có 34.072 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 400,61 tỷ USD. Trong đó, riêng Vùng Đồng bằng sông Hồng thu hút được 11.460 dự án, với tổng vốn đăng ký 121,05 tỷ USD, chiếm 33,6% tổng số dự án và 30,2% tổng số vốn.
Rất nhiều thương hiệu toàn cầu đã đầu tư tại Vùng Đồng bằng sông Hồng |
Không chỉ thu hút FDI đứng thứ 2 cả nước sau Vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng còn được đánh giá là nơi hội tụ của rất nhiều thương hiệu toàn cầu đến từ những tập đoàn lớn trên thế giới như: Honda, Toyota, LG, Samsung, Canon... Trong số đó, có những dự án có số vốn đăng ký lên đến vài tỷ USD, điển hình là: Dự án Samsung Display Việt Nam có tổng vốn đăng ký 6,5 tỷ USD với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công, tiếp thị hoặc bán các loại màn hình thiết bị điện tử của nhà đầu tư Hàn Quốc tại tỉnh Bắc Ninh; Dự án LG Display Hải Phòng của nhà đầu tư Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 4,65 tỷ USD; Dự án Thành phố thông minh của nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đăng ký 4,138 tỷ USD, đầu tư tại Hà Nội; Dự án Khu tổng hợp công nghệ Samsung (Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam) có tổng vốn đăng ký 2,5 tỷ USD đầu tư tại Bắc Ninh của nhà đầu tư Singapore; Dự án Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương (nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương), tổng vốn đăng ký 2,258 tỷ USD của nhà đầu tư Hồng Kông…
Đồng bằng sông Hồng có 11 địa phương, bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Trong đó, Hà Nội là địa phương dẫn đầu về thu hút FDI, với 6.617 dự án có tổng vốn là 38,5 tỷ USD, chiếm 31,8% tổng vốn đăng ký của Vùng. Tiếp theo là Hải Phòng với 887 dự án, tổng vốn đầu tư là 22,9 tỷ USD chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư đăng ký; thứ ba là Bắc Ninh 1.691 dự án, với tổng số vốn đầu tư là 20,2 tỷ USD, chiếm 16,7% vốn đăng ký toàn Vùng.
Nhiều dư địa thu hút FDI
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án FDI tại Đồng bằng sông Hồng đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của Vùng nói riêng và cả nước nói chung; bổ sung vốn cho đầu tư phát triển địa bàn; thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển; từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng kim ngạch xuất khẩu. Thêm vào đó, FDI của Vùng đã giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động cả trực tiếp và gián tiếp, tạo thu nhập ổn định cho lao động trên địa bàn, góp phần ổn định cuộc sống của người dân địa phương.
So với các vùng trên cả nước, Đồng bằng sông Hồng có nhiều lợi thế để hấp dẫn các nhà nước ngoài nhờ vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, có hệ thống giao thông kết nối tốt nhất cả nước và ngày càng hoàn thiện. Chính yếu tố này đã tạo động lực liên kết phát triển và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế của Vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tạo thành tam giác phát triển, là đầu mối kết nối vùng với các vùng trong nước, khu vực và thế giới. Có nguồn nhân lực được đào tạo lực chất lượng cao, có sự kết nối giữa các địa phương trong Vùng và với các Vùng khác.
Riêng trong 8 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế trong nước nói chung và thu hút FDI nói riêng, nhưng tất cả 11/11 địa phương Vùng Đồng bằng sông Hồng đều thu hút được FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5,77 tỷ USD, chiếm gần 30,2% tổng vốn đầu tư FDI vào nước ta trong 8 tháng đầu năm. Trong số đó, nhiều địa phương có mức tăng trưởng thu hút FDI cao, như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc… điển hình là Vĩnh Phúc, thu hút FDI 8 tháng tăng trưởng đến 200% so với cùng kỳ 2020.
Theo các chuyên gia kinh tế, dư địa thu hút FDI của Vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn rất lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương trong vùng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm thu hút được những dự án FDI lớn, có chất lượng. Tuy nhiên, hạn chế mà nhiều địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng đang gặp phải đó là, thu hút được nhiều dự án FDI quy mô lớn, nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực, ngành thâm dụng nhân công giá rẻ như: Dệt may, dày dép, lắp ráp thiết bị và bất động sản, nên việc lôi kéo các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa cao.
Cùng với đó, nhiều địa phương trong Vùng cũng đang đối mặt với vấn đề thiếu quỹ đất sạch quy mô lớn để thu hút đầu tư. Theo đó, bên cạnh tăng chất lượng dòng vốn FDI thì tạo quỹ đất sạch để thu hút được những dự án FDI lớn cũng là điều mà các địa phương trong vùng cần quan tâm trong giai đoạn tới.
Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất đầu tư vào Vùng Đồng bằng sông Hồng với 4.238 dự án, với vốn đăng ký là 34,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư toàn Vùng; Tiếp theo là Nhật Bản với 23,6 tỷ USD và Singapore với 18,6 tỷ USD. |