Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Trần Đình Luân cho biết: Trong những năm gần đây, thị trường tôm giống sôi động và tăng trưởng nhanh, hiện cả nước có trên 1.800 cơ sở sản xuất giống. Trong đó, đối với tôm thẻ chân trắng có 566 cơ sở sản xuất và trên 1.300 cơ sở sản xuất giống tôm sú. Công suất của các cơ sở sản xuất giống về cơ bản đủ đáp ứng cho người nuôi tôm. Chất lượng tôm giống vẫn chưa đồng đều. Tuy nhiên nhận định bối cảnh chung, ông Luân thừa nhận, tôm thẻ chân trắng giống bố mẹ đang phụ thuộc nhập ngoại trên 90%, trong khi đó tôm sú dù không bị phụ thuộc nhập khẩu nhưng lại phụ thuộc vào nguồn đánh bắt tự nhiên. "Các cơ sở sản xuất giống nhiều nhưng còn nhiều cơ sở nhỏ lẻ không đạt tiêu chuẩn vẫn tiếp tục sản xuất và cung ứng giống ra thị trường. Như vậy vẫn còn một phần đâu đó chất lượng quản lý chưa triệt để", ông Luân nói.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Anh Xuân - Chủ tịch HĐQT Công ty N.G Vietnam - cho hay, cơ sở sản xuất tôm giống của chúng ta đủ về mặt số lượng nhưng ít về mặt chất lượng. Tất cả các cơ sở sản xuất tôm giống hiện nay đều có hai hạn chế đó là nguồn tôm bố mẹ hầu hết được khai thác đánh bắt tự nhiên (đối với tôm sú) và nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu gần 100% (tôm thẻ chân trắng). Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất tôm giống hiện nay hạ tầng kỹ thuật còn yếu kém, chưa được trang bị đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật mềm, khả năng tiếp thu ứng dụng công nghệ cao còn nhiều hạn chế. Dẫn đến việc chưa chủ động sản xuất được tôm giống chất lượng cao và khả năng an toàn sinh học cao đáp ứng quy mô vùng nuôi trồng lớn.
Theo các chuyên gia, chất lượng tôm bố mẹ vẫn chưa ổn định, mặc dù đã được Chính phủ quan tâm đầu tư, song vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn. Bên cạnh đó, chúng ta chưa làm chủ công nghệ chọn tạo, cung ứng giống, giá thành sản xuất tôm còn cao, phần lớn hạ tầng nuôi tôm chưa đảm bảo. Đặc biệt, việc các chợ tôm giống có nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc và kiểm dịch, chất lượng không đảm bảo gây rủi ro cho hoạt động chăn nuôi của người dân. Bên cạnh đó, giá thành xét nghiệm cho tôm còn cao, nhiều nơi hệ thống xét nghiệm chưa chuẩn hóa, dẫn đến kết quả không chính xác, gây thiệt hại cho nhà sản xuất giống.
Liên quan đến vấn đề nay, ông Lê Anh Xuân cho hay, chi phí xét nghiệm là do Bộ Tài chính quy định. Chi phí xét nghiệp tùy thuộc số lượng mẫu đưa ra xét nghiệm. Nếu xét nghiệm hàng trăm nghìn con, hàng triệu con thì chi phí sẽ thấp. Trong khi đó, bà con nhập giống với số lượng ít, 100.000-200.000 thì chi phí xét nghiệm cao. “Do vậy, giải pháp là các nông hộ nuôi nên liên kết chặt với cơ sở sản xuất giống để người dân không mua phải giống trôi nổi", ông Xuân nói.
Đối với tôm giống bố mẹ, ông Trần Đình Luân cho rằng, đây là công việc liên tục, dài hơi và cần phải có sự chung tay giữa nhà nước với doanh nghiệp. Trên thực tế để khắc phục tình trạng này, Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo về nghiên cứu chọn tạo giống tôm bố mẹ nước lợ xuất xứ tại Việt Nam. Hiện nay, ngoài các đơn vị nghiên cứu thuộc Bộ thì Bộ đã tạo điều kiện hợp tác và tạo những giải pháp rất thuận lợi để các DN lớn của Việt Nam tham gia vào nghiên cứu và chọn tạo….
Ông Trần Đình Luân chia sẻ, sau chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam diễn ra ngày 6/2, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch hành động phát triển ngành tôm đến năm 2025, đã trình chính phủ. Trong kế hoạch này, nhiều giải pháp nhằm tiếp tục chỉ đạo định hướng, nghiên cứu, gia hoá chọn tạo tôm bố mẹ, kiểm soát tốt nguồn tôm bố mẹ nhập. Chủ động được 100% tôm giống có chất lượng. Hệ thống sản xuất giống của các DN hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu, liên kết tốt giữa hiệp hội tôm giống với hộ nuôi của các địa phương. Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là liên quan đến vấn đề con giống, sẽ giúp đạt mục tiêu đưa con tôm trở thành sản phẩm chủ lực như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.