Hợp tác đầu tư Việt - Lào: Triển vọng mới
Toàn cảnh buổi tọa đàm |
Tại buổi tọa đàm, các bên đã đánh giá quá trình hợp tác đầu tư những năm qua, nhu cầu thu hút vốn đầu tư 2 nước giai đoạn 2016-2020 và những định hướng về chính sách ưu tiên thu hút vốn đầu tư. Hai bên cũng đã thống nhất cách tiếp cận mới trong xúc tiến đầu tư nước ngoài. Đó là xúc tiến đầu tư tại chỗ, tháo gỡ khó khăn cho các DN đã đầu tư tại nước mình để tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào đang ngày càng thuận lợi, mở ra triển vọng hợp tác đầu tư to lớn cho cả 2 nước. Tiềm năng phát triển của 2 nước có thể bổ trợ cho nhau, cùng nhau phát triển và góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước.
Ông Ma-no-thong Vông-xay, Cục trưởng Cục Xúc tiến đầu tư - Bộ Kế hoạc và Đầu tư Lào đánh giá cao các dự án mà DN Việt Nam đang đầu tư tại Lào, ông cho biết: “Đa phần các dự án của Việt Nam đầu tư vào Lào rất hiệu quả, góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng điện đường trường trạm, các DN Việt Nam còn tích cực hỗ trợ, cứu trợ thiên tai tại các địa phương Lào. Một số dự án đang trở thành mầm mống của CNH-HĐH của Lào trong tương lai.”
Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phát biểu |
Trao đổi thẳng thắn tại hội nghị, đại diện một số DN Việt Nam cho rằng dù Chính phủ Lào có nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhưng trong quá trình triển khai các DN Việt Nam vẫn gặp những vướng mắc về thủ tục hành chính, thuế, vốn vay và nguồn nhân lực. Việc sử dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Lào còn đang bị hạn chế (lao động Việt Nam tại dự án, nhà máy không được quá 10% tổng số lao động), thời gian lưu trú lao động Việt Nam còn ngắn (3 tháng phải đổi Visa một lần), chi phí làm thủ tục cư trú còn cao (300 USD/lao động/năm). Hải quan Lào chỉ làm thủ tục thông quan ở cửa khẩu không quá 17h chiều nên gây khó khăn cho DN…
Tại buổi tọa đàm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào đã giới thiệu một số dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư từ Việt Nam. Như Bắc Lào kêu gọi đầu tư các dự án giao thông liên tỉnh, phát triển kinh tế du lịch, trồng ngô, nuôi gia súc…; Trung Lào: các dự án phát triển công nghiệp, trồng rau ăn quả, các dự án phát triển tỉnh Savanakhet, phát triển du lịch tâm linh; Hạ Lào và Nam Lào: các dự án phát triển khách sạn, các dự án phát triển dọc tuyến đường sang Việt Nam, dự án phát triển văn hóa.
Phát biểu của Đại diện tập đoàn Cao su Việt Nam về việc còn gặp khó khăn ở vấn đề thuế, nhân lực, thủ tục, vốn vay và thị trường tiêu thụ tại Lào |
Nói về những dự án mà Lào kêu gọi đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: “Đây là cơ hội tốt để các DN, nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận các dự án đầu tư mới tại Lào, tăng cường kết nối và thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch, giao thông... trong thời gian tới”.
Tính đến tháng 3/2016, tổng vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam tại Lào đạt 4,9 tỷ USD, xếp thứ 3 về tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Lào. Lào là quốc gia đứng đầu trong 68 quốc gia và vùng lãnh thổ về số dự án và vốn đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài. Tập trung vào những lĩnh vực chính như dịch vụ với tổng vốn đầu tư hơn 1,1 tỷ USD, nông nghiệp hơn 1 tỷ USD, năng lượng điện 763 triệu USD, khoáng sản 323 triệu USD. |