Hợp tác liên ngành quản lý hàng hóa chiến lược
- Đây là hội thảo dành cho các cán bộ cao cấp của các Bộ, ngành có vai trò trong việc thiết kế, quản lý và thực thi thương mại chiến lược đối với các mặt hàng nhạy cảm hoặc hàng hóa lưỡng dụng dù nó được sản xuất hoặc vận chuyển qua Việt Nam. Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định: Hoạt động quản lý hàng hóa chiến lược là điều cần thiết đối với mỗi quốc gia giúp phòng chống khả năng chuyển đổi hàng hóa thành mục đích quân sự đe dọa đến hòa bình, an ninh và phát triển bền vững. Việc quản lý tốt hàng hóa chiến lược cũng là một vấn đề rất quan trọng.
Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nước ngày càng phát triển và góp phần tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên chống gian lận thương mại, buôn lậu hàng hóa các mặt hàng chiến lược cũng là vấn đề quan trọng không kém. Với kim ngạch xuất khẩu năm 2012 đạt 114 tỷ USD, tăng 18% so với năm trước đó, Việt Nam đã trở thành một nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao. Đặc biệt là những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất và xuất khẩu, những mặt hàng sản xuất đa dụng.
Có ý kiến cho rằng, việc quản lý hàng hóa chiến lược sẽ làm cản trở hoạt động của doanh nghiệp, tuy nhiên cần phải nhận thức rõ vai trò của xuất khẩu trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, Bộ Công Thương Việt Nam và các bộ, ngành hữu quan đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để xuất khẩu phát triển ổn định, đồng thời đảm bảo vấn đề an ninh quốc phòng. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 12-2006/NĐ-CP quy định chi tiết luật thương mại và mua bán hàng hóa quốc tế, quá cảnh hàng hóa nước ngoài. Nhiều Bộ, ngành liên quan đã ban hành hàng loạt văn bản pháp lý chứa đựng những quy phạm liên quan đến quản lý các mặt hàng chiến lược và nhạy cảm. Nghị định số 12/NĐ-CP đang trong quá trình sửa đổi theo hướng xác lập thể chế pháp lý cụ thể, rõ ràng, minh bạch và thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện nay, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong tình hình mới.
Tại hội thảo, bà Claire Pierangelo – Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, đối với hàng hóa nhập khẩu vào mỗi quốc gia cần có hệ thống kiểm soát hiệu quả. Các cán bộ thực thi pháp luật cần tìm hiểu và ngăn chặn các giao dịch phi pháp, rủi ro. “Điều này rất cần có sự hợp tác giữa các cơ quan liên quan, nâng cao về trình độ năng lực quản lý và hoàn thiện các chiến lược, chính sách là rất quan trọng”, bà Claire Pierangelo nói.
Thông qua một loạt các bài trình bày, thảo luận và hỏi đáp với các chuyên gia từ các nền kinh tế ASEAN và quốc tế, chương trình đã hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu trong tình hình mới, đồng thời nâng cao kiến thức của các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam về chính sách quản lý hàng hóa chiến lược, tham khảo kinh nghiệm của một số nước phát triển trên thế giới. Quản lý thương mại chiến lược, khi được thực hiện đúng sẽ nâng cao niềm tin và sự tin cậy giữa các đối tác thương mại trong các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, thường là điều kiện tiên quyết để tiếp nhận các công nghệ tiên tiến để phát triển các công nghệ tiên tiến để phát triển các nhà máy diện hạt nhân và là một nghĩa vụ của tất cả các nước thành viên của Liên hợp quốc.
Thúy Ngọc