Hộp thư bạn đọc ngày 16/9: Dự án khu đô thị Đại học Hạ Long "treo" nhiều năm, bánh quy sữa của Bibica bị thu hồi hàng loạt |
Vuasanca nhận được phản ánh liên quan đến một số vấn đề có dấu hiệu sai phạm như: Dấu hiệu gian lận trong mua bán đất ở Hải Dương; Nhân viên bán bảo hiểm “tra tấn” khách hàng; Hàng loạt sai phạm tại cửa khẩu Chi Ma.
Thông tin phản ánh: Một số hộ dân mua đất đấu giá Dự án Sao Khuê (Ao Rùa) của chính quyền xã Tráng Liệt (nay được sáp nhập với thị trấn Kẻ Sặt) huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương và được chính quyền cấp Giấy xác nhận quyền sử dụng đất, đủ điều kiện làm nhà ở… Trong Giấy xác nhận quyền sử dụng đất của xã Tráng Liệt cấp cho các hộ mua đất đều ghi rõ: đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Điểm đặc biệt, thời điểm các hộ mua đất vào các năm 2017, 2018, 2019 nhưng thời điểm ghi trong Giấy xác nhận do xã cấp cho người dân lại là năm 2011 và người ký là Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hùng. Điều đáng nói, thời điểm này, Chủ tịch xã Nguyễn Văn Hùng đã nghỉ chế độ.
Nhiều hộ dân mua đất đấu giá tại Dự án Sao Khuê đã xây dựng nhà kiên cố (ảnh Kiên Cường) |
Tuy nhiên, đến nay, các hộ dân mới phát hiện việc mua bán đất là bất hợp pháp. Trong khi đó, nhiều hộ được xã cho phép xây dựng nhà ở, lo lắng công trình xây dựng phải phá dỡ, thu hồi để bán đấu giá. Cụ thể, Dự án đấu giá đất Sao Khuê được hình thành từ ngày 24/4/2012, khi UBND huyện Bình Giang ra Quyết định số 1738/QĐ-UBND về việc “thu hồi và chuyển mục đích sử dụng sang đất ở nông thôn để đấu giá quyền sử dụng đất khu Trung, xã Tráng Liệt.”.
Dư luận đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những dấu hiệu gian lận khi mua bán đất tại đất đấu giá Dự án Sao Khuê? Việc ký và đóng dấu năm 2011 có đúng hay giả mạo để lừa người dân nhằm thu lợi bất chính?
Thông tin qua đường dây nóng phản ánh: Ông N.V.M ở Hà Nội liên tục bị số điện thoại 0528436xxx gọi làm phiền để chào mua bảo hiểm xe ô tô. Theo tìm hiểu, người này nói là nhân viên văn phòng chăm sóc khách hàng của đơn vị liên kết với Tổng công ty Bảo Hiểm Hàng Không, có văn phòng tại Cục Đăng Kiểm (số 18 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Nhân viên bán bảo hiểm này cho biết, trụ sở của Tổng công ty Bảo hiểm Hàng không ở số 36 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Tuy nhiên, khi khách hàng nói muốn lên tận văn phòng lấy thì người này viện lý do đang đi vắng và sẽ cho người chuyển bảo hiểm đến tận nơi, kiểm tra chính xác mới phải thanh toán.
Ông M. bức xúc khi liên tục bị làm phiền và e ngại vì thông tin cá nhân như biển số xe, số điện thoại... dễ dàng bị tiết lộ. Hơn nữa, việc bán hàng của đơn vị liên kết này chẳng khác gì việc “tra tấn” khách hàng. Điều đó còn thể hiện dấu hiệu quản lý thiếu chuyên nghiệp của Tổng công ty Bảo hiểm Hàng Không đối với các đơn vị liên kết.
Thông tin phản ánh: Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Lộc Bình (tỉnh Lạng Sơn) phát hiện hàng chục dự án sai phạm nghiêm trọng về về đất đai, đầu tư xây dựng tại khu vực cửa khẩu Chi Ma.
Các doanh nghiệp có hành vi xây dựng trái phép hoặc sai phép bao gồm: Công ty TNHH Tuấn Minh; Công ty TNHH Xây dựng Vĩnh Long; Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại tổng hợp Thanh Hải; Công ty TNHH MTV Trần Quang Nghĩa; Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Du lịch Thăng Long Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Phú Gia Hà Nội; Công ty TNHH Kim Phúc Hà; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thăng Long Lạng Sơn; Công ty cổ phần DV XNK tổng hợp Chi Ma HTT; Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Ngọc Anh…
Điều đáng nói, nhiều doanh nghiệp sai phạm vẫn không bị xử phạt vi phạm hành chính. Lý do UBND huyện Lộc Bình đưa ra là do đã hết thời hiệu xử phạt chính nên chỉ yêu cầu thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Ngoài ra, UBND huyện Lộc Bình gia hạn đối với 5 dự án, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng điều chỉnh.
Ngoài xử lý vi phạm về đầu tư xây dựng, UBND huyện Lộc Bình cũng đã xử lý các sai phạm về đất đai đối với Công ty cổ phần dịch vụ xuất nhập khẩu tổng hợp Chi Ma HTT, với số tiền 60 triệu đồng, buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn chiếm; Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thăng Long Lạng Sơn cũng bị phạt là 140 triệu đồng và buộc thực hiện tiếp thủ tục thuê đất theo quy định đối với trường hợp chưa thực hiện xong thủ tục thuê đất (dự án Bến xe ô tô hàng hóa xuất nhập khẩu Chi Ma).
Bên cạnh đó, UBND huyện Lộc Bình cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lấn đất phi nông nghiệp và hành vi lấn đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn đối với Công ty TNHH xây dựng Vĩnh Long, với số tiền 148 triệu đồng. Đơn vị này phải khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn (dự án Địa điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, kho ngoại quan lưu giữ hàng hóa xuất nhập khẩu nông sản - thủy sản, dịch vụ kinh doanh tổng hợp, khu chế biến hàng hóa xuất nhập khẩu cửa khẩu Chi Ma).