Vừa qua, Báo điện tử Công Thương nhận được thông tin phản ánh về việc: dấu hiệu huy động vốn trái phép của Công ty Cổ phần Địa ốc Bcons; sản phẩm Nga Phụ Khang quảng cáo trái phép; sai phạm trong nhiều lĩnh vực tại dự án BigC Thanh Hóa; lấn chiếm đất công khu vực đê sông Hồng.
Thông tin phản ánh: Dự án Chung cư An Bình (đường Bế Văn Đàn, phường An Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đang có dấu hiệu huy động vốn trái phép dưới cái tên “Bcons Polygon”.
Công ty Bcons công khai không đúng nội dung về dự án “Bcons Polygon” |
Dự án có chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Địa ốc Bcons (gọi tắt là Công ty Bcons - thành viên Công ty Cổ phần Xây Dựng Bcons). Theo quy hoạch tỷ lệ 1/500, dự án chung cư An Bình có diện tích 5.855.5m2, thiết kế 29 tầng nổi và 2 tầng hầm, 783 căn hộ chung cư, tương ứng dân số khoảng 1.530 người.
Cái tên “Bcons Polygon” hiện nay đang được quảng cáo rầm rộ trên internet cũng như từ chính Công ty Bcons vào sáng 29/5/2022 tại Trung tâm hội nghị White Palace (số 108 Phạm Văn Đồng, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP HCM). Ngoài ra, để thu hút sự tham gia của khách hàng, chủ đầu tư còn tổ chức chương trình hoành tráng và sôi động, với chương trình bốc thăm trúng thưởng với nhiều quà tặng giá trị như xe SH 150, xe Airblade 150, 12 chỉ vàng... cùng các chuyên viên kinh doanh đến từ các đơn vị phân phối.
Trong khi đó, dự án Chung cư An Bình chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tên thương mại là “Bcons Polygon”. Hiện cũng chưa có văn bản xác nhận dự án Chung cư An Bình (Bcons Polygon) đủ điều kiện được huy động vốn. Khu đất được giới thiệu về dự án Bcons Polygon đang được quây tôn kín, bên trong đã được san lấp mặt bằng, có một số máy móc và vật liệu xây dựng.
Bạn đọc phản ánh: Sản phẩm Nga Phụ Khang do Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu - Aerophar (địa chỉ 171 Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) phân phối và tiếp thị đang được quảng cáo như thuốc dù chỉ thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Chưa dừng ở đó, sản phẩm này còn được quảng cáo bằng cách sử dụng lời nhận xét của khách hàng, lấy hình ảnh chuyên gia y tế để làm khách hàng cảm thấy “uy tín”.
Cụ thể, website “nhathuocngocanh.com/san-pham/nga-phu-khang”, Nga Phụ Khang được quảng cáo theo cách liệt kê công dụng của từng thành phần như Hoàng cầm, Hoàng kỳ, Trinh nữ hoàng cung; dùng lời đánh giá của sản phẩm từ người mua.
Còn tại tên miền “ngaphukhang.tinhhoathuocnam.vn”, Nga Phụ Khang bị đánh tráo khái niệm như thuốc trị bệnh khi được sử dụng bằng từ “liệu trình”, lấy hình ảnh chuyên gia y tế như ông Nguyễn Đức Vy (nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung Ương), ông Hoàng Đình Lân (Chủ nhiệm khoa ngoại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Ương), cũng kèm theo hàng loạt lời nhận xét của người dùng bằng video.
Thông tin phản ánh: Dự án Trung tâm thương mại - Đại siêu thị BigC Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) được kết luận có sai phạm trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, quy hoạch, đất đai đến xây dựng. Ngoài nguyên nhân thuộc về Chủ đầu tư thì Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường và UBND TP Thanh Hóa cũng có phần trách nhiệm.
Dự án Trung tâm thương mại - Đại siêu thị BigC Thanh Hóa Công ty Cổ phần Đầu tư Quảng Long (Công ty Quảng Long) là chủ đầu tư thực hiện trên diện tích khoảng 7ha vào năm 2010, sau đó Công ty Quảng Long được UBND thành phố Thanh Hóa bàn giao mặt bằng tổng diện tích 70.196m2 (ngày 11/01/2011 bàn giao 51.447,3m2; ngày 23/7/2011 bàn giao 18.748,7m2).
Cụ thể, về công tác quy hoạch, quy hoạch điều chỉnh tại Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 11/5/2015 không phù hợp với chủ trương đầu tư tại Văn bản số 3900/UBND-CN ngày 27/7/2010 và Thông báo số 137/TB-UBND ngày 19/11/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh; không phù hợp quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới trung tâm thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
Về việc thực hiện đầu tư, xây dựng; thiết kế cơ sở được thẩm định của khách sạn 18 tầng không phù hợp với Quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt tại Quyết định số 1671/QĐ-UBND ngày 11/5/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá. Cấp phép xây dựng nhà ở cho Chủ đầu tư trên 04 lô đất đã chuyển quyền sử dụng đất, cho người dân tự xây nhà không đúng đối tượng.
Bạn đọc phản ánh: Cạnh đê sông Hồng đang xảy ra hiện tượng hàng trăm nhà xưởng lấn chiếm đất công, hàng loạt bến bãi đang hoạt động không phép (đoạn qua phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Các nhà xưởng chủ yếu sản xuất gỗ, cơ khí, nội thất, kinh doanh vật liệu phục vụ xây dựng. Mặc dù sản xuất các mặt hàng dễ cháy, có nguy cơ cháy nổ cao, công nhân ăn nghỉ tại chỗ nhưng đều thiếu trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Một số nhà xưởng còn xả khói bụi đen kịt trực tiếp ra môi trường.
Câu hỏi đặt ra, là ai hưởng lợi từ số tiền lớn cho thuê các nhà xưởng trên số đất nông nghiệp đó, và tại sao chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý dứt điểm khi các công trình vẫn tồn tại trong suốt nhiều năm qua?
Bạn đọc có thông tin, phản ánh, tin bài gửi về tòa soạn Vuasanca điện tử tại địa chỉ: Vuasanca , tầng 10-11, tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Đường dây nóng: 0866.59.4498; Email: [email protected] |