CôngThương - Trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện đã xác định được 175 mỏ, điểm mỏ với 28 loại khoáng sản. Trong đó, 53 mỏ, điểm mỏ đã được UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho gần 40 DN hoạt động khai thác đối với khoáng sản sắt, mangan, chì - kẽm, antimon, thiếc - vonfram, mica, cao lanh. Hoạt động khai thác khoáng sản hàng năm đã đóng góp 20-25% GDP, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 1,5-3,2 triệu đồng/người/tháng, góp phần quan trọng cùng với các cấp, các ngành thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi.
Từ khi triển khai Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản mới, Hà Giang đã tiếp nhận "làn sóng" đầu tư mới vào khai thác, chế biến khoáng sảnvới sự có mặt của nhiều DN lớn. Các nhà máy như: Angtimon Mậu Duệ (huyện Yên Minh) công suất đạt gần 1 nghìn tấn/năm; tuyển luyện chì - kẽm Na Sơn (huyện Vị Xuyên) công suất 800 tấn/ngày; Tả Pan xã Minh Sơn (huyện Bắc Mê) 300 tấn/ngày... đã lần lượt ra đời.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang Lưu Tùng Giang cho biết: Hầu hết các DN đang hoạt động không đủ năng lực tài chính để đầu tư khai thác, thiếu kinh nghiệm và thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ, chuyên môn sâu về khai thác mỏ, dẫn đến hiệu quả điều hành quy trình hoạt động của mỏ chưa cao. Bên cạnh đó, do tài liệu địa chất không đầy đủ nên DN chưa định hướng được việc đầu tư thiết bị, công nghệ trong quá trình khai thác, chưa lập thiết kế khai thác mỏ và tổ chức thực hiện, chế biến theo thiết kế. Hoạt động còn mang tính phân tán, chưa phát huy được sức mạnh của liên doanh, liên kết để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đa số các mỏ chưa áp dụng được công nghệ tiên tiến vào khai thác, chế biến khoáng sản, do vậy quá trình hoạt động đã có những thời điểm ô nhiễm vượt quá mức độ cho phép, sản phẩm khai thác, chế biến chủ yếu ở dạng nguyên liệu thô, giá trị sản phẩm không cao, không ổn định, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành “điểm sáng” công nghiệp trong các tỉnh miền núi phía Bắc,trong đó tiếp tục chú trọng phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản với mục tiêu tạo ra sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Các tài liệu nghiên cứu mới nhất đã khẳng định Hà Giang là một trong 5 tỉnh của cả nước có trữ lượng quặng sắt lớn, đáp ứng được nguồn nguyên liệu sản xuất thép với quy mô từ 1 triệu tấn/năm trở lên, vì thế Hà Giang có điều kiện tốt để xây dựng, phát triển ngành công nghiệp luyện kim đen, mầu cả trước mắt và lâu dài.
Theo đó, ông Giang cho hay, từ nay đến năm 2015, Hà Giang sẽ tích cực nghiên cứu, trao đổi thông tin, ứng dụng, chuyển giao công nghệ mới trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản. Cải tạo hoàn thiện công nghệ, đầu tư bổ sung thiết bị các dây chuyền hiện có theo hướng sử dụng các thiết bị có năng suất cao, tiêu tốn ít năng lượng, dễ điều chỉnh. Quy hoạch vùng nguyên liệu theo hướng tập trung phát triển các vùng quặng, các mỏ có quy mô công suất nhỏ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy tuyển có công suất cao, tiên tiến ít ảnh hưởng đến môi trường. Đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sâu cho mỗi loại khoáng sản, theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, mục tiêu là đi đến sản phẩm cuối cùng có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và lưu thông trên thị trường thế giới.
Để ngành khai khoáng thực sự phát huy hiệu quả, ông Giang chia sẻ thêm, cần tạo cơ chế thông thoáng, khuyến khích hỗ trợ DNtrong hoạt động chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao tay nghề cho các cán bộ quản lý và người lao động trong DN.Đồng thời, hình thành và phát triển thị trường khoa học công nghệ trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản; hoàn thiện hệ thống pháp luật cần thiết cho thị trường công nghệ này vận hành. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tăng cường sự phối kết hợp các chương trình đổi mới, hiện đại hóa ngành công nghiệp khai khoáng với các chương trình, dự án về chế tạo thiết bị công nghiệp. Xây dựng các tiêu chí, định mức đánh giá mức độ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ (về tiêu hao nhiên liệu, năng lượng, vật tư, nguyên liệu…) và cơ chế kiểm tra, đánh giá, giám sát việc tuân thủ các tiêu chí, định mức