Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, nền kinh tế chưa mạnh với GDP bình quân đầu người vẫn ở nhóm trung bình thấp; chi phí kinh doanh cao so với các nước trong khu vực… Vì vậy, Việt Nam vẫn thuộc nước có điều kiện khởi nghiệp thấp, nếu không cải thiện tốt, làn sóng startup sẽ trở nên không thực chất.
Thực tế, nhiều nước đã từng kỳ vọng làn sóng startup sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai, song điều đó không hiện thực, bởi 90% startup sau từ 3 đến 5 năm đã phải rời bỏ thị trường. Nguyên nhân ngoài năng lực của startup, còn do yếu tố thể chế, chính sách không kịp thời, đầy đủ...
Việt Nam có rất nhiều tiềm năng khởi nghiệp. Đơn cử, trong lĩnh vực nông nghiệp, với 8 triệu hộ sản xuất và khoảng 3 triệu hộ kinh doanh, ông Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho rằng, mỗi hộ đều có thể trở thành một startup nông nghiệp nếu có đủ cơ chế, chính sách thúc đẩy. Tuy nhiên, đầu tư vào startup nông nghiệp còn rất ít. Theo ông Tuấn, cần có
chính sách hỗ trợ đào tạo, hình thành, ươm tạo startup nông nghiệp với các mô hình kinh doanh mới, kết nối startup nông nghiệp với các nhà đầu tư là những doanh nghiệp lớn để dẫn dắt.Theo ông Nguyễn Duy - Tổng giám đốc Công ty Kova Trading - startup không đơn giản là mở một quán cafe kinh doanh, mà phải có sự sáng tạo dựa trên nền tảng khoa học - kỹ thuật. Thế nhưng, môi trường cho sáng tạo còn nhiều khó khăn, nhất là việc thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Sơn Kova đã lưu thông trên thị trường nhiều năm, song doanh nghiệp vẫn chưa thể đăng ký được bản quyền sáng chế do quy trình thủ tục rất phức tạp.
Khởi nghiệp ngoài trí tuệ, cần phải có khát vọng, quyết tâm. Giáo sư Nguyễn Đức Khương - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cho rằng, để trở thành quốc gia khởi nghiệp, nhà nước cần phải kiến tạo được môi trường kinh doanh tốt nhất, hỗ trợ tốt nhất cho startup đi đến tận cùng của khát vọng.