CôngThương - Nguồn kinh phí khuyến công đã hỗ trợ cho hàng trăm lượt cơ sở thay đổi công nghệ, đầu tư mở rộng phát triển sản xuất. Tuy nhiên, việc phát triển, nhân cấy ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở Quảng Bình gặp không ít khó khăn, như: đào tạo chủ yếu nghề mới, thời gian đào tạo ngắn, vì vậy người lao động chỉ sản xuất được một số mặt hàng đơn giản, giá thành thấp nên thu nhập từ nghề chưa cao; các cơ sở sản xuất đều phát triển theo hướng tự phát; các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác khuyến công từ Trung ương đến địa phương chậm được triển khai phổ biến đến cơ sở; định mức hỗ trợ kinh phí khuyến công theo quy định của Nhà nước còn thấp nên chưa kích thích được người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn vào phát triển công nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề tiểu thủ công nghiệp tại các huyện miền núi còn nhiều khó khăn; kinh phí khuyến công dành cho các dự án thấp hơn nhiều so với nhu cầu nên hiệu quả các hoạt động chưa cao.
Với mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ khôi phục và khuyến khích phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống, tỉnh Quảng Bình đang tập trung vào ưu tiên phát triển nghề chế biến nông - lâm - thủy sản, mây tre, nón lá, thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, thực phẩm, đồ uống và du nhập thêm các nghề mới. Theo kế hoạch, giai đoạn 2011- 2015, tỉnh sẽ mở rộng và phát triển nghề chế biến thủy sản các địa phương ven sông Gianh, sông Nhật Lệ; khuyến khích đầu tư mở rộng, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao tại trung tâm các huyện, thành phố Đồng Hới như: Thiết bị đồ dùng dạy học, may mặc, giày da, sản xuất đồ cơ khí, điện, điện tử, vật liệu mới; khuyến khích hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ mới nhằm phát triển nghề nón lá, mây tre đan, chiếu cói, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm hiện có, nhất là các mặt hàng mỹ nghệ phục vụ du lịch và xuất khẩu.
Đến giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ tập trung đầu tư công nghệ mới nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm các mặt hàng truyền thống chế biến thủy hải sản, nông sản, thực phẩm tại các xã phường ven biển, dọc đường Hồ Chí Minh và đường 12A; đồng thời phát triển các mặt hàng mây tre đan, nón lá, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng thực phẩm ăn liền cao cấp như: các loại bánh, đồ hộp, nước uống, kết hợp việc phát triển thương hiệu và đăng ký chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế; duy trì, khuyến khích phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, thiết bị, đồ dùng dạy học, may mặc, giày da, sản xuất cơ khí, điện, điện tử, vật liệu mới; chú trọng đào tạo công nhân kỹ thuật, giáo viên thực hành, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, quản lý cho các chủ cơ sở sản xuất; xây dựng mạng lưới khuyến công từ tỉnh đến cơ sở, tập huấn đào tạo, du nhập nghề mới, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất về pháp luật, lập dự án đầu tư, cung cấp thông tin về thị trường và tiêu thụ sản phẩm…
Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới trang thiết bị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; xây dựng thương hiệu, đăng ký mã vạch, mã vùng, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm. Tỉnh đặc biệt khuyến khích các cơ sở sản xuất CN-TTCN ở địa phương phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm truyền thống; thành lập các doanh nghiệp đầu mối để cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, hộ gia đình và các làng nghề, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm; thực hiện tốt sự liên kết “bốn nhà” để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có cơ hội nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm.