Hướng tới thị trường tín chỉ carbon
Nguồn tài nguyên giá trị
Năm 2020, trữ lượng rừng của Việt Nam vào khoảng 990 triệu m3. Dự tính 10 năm tới con số này sẽ tăng lên 1.250 triệu m3. Cả nước hiện có khoảng 23 địa phương có sẵn dịch vụ lưu trữ carbon. Trong đó, tiềm năng nhất là tỉnh Quảng Nam.
Cần tận dụng tiềm năng của rừng từ việc mua bán tín chỉ carbon |
Với 628.000 ha rừng tự nhiên, mỗi năm Quảng Nam trữ được xấp xỉ 1 triệu tấn carbon, có nghĩa mỗi năm có thể bán được 1 triệu tín chỉ carbon ra thị trường thế giới. Mới đây, Quảng Nam - địa phương đầu tiên đã xin Thủ tướng phê duyệt cơ chế, để tham gia thị trường trao đổi carbon tự nguyện. Dự tính đến năm 2025, Quảng Nam sẽ xuất bán 6 triệu tín chỉ carbon, thu về khoảng 30 triệu USD.
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện thí điểm 3 thỏa thuận lớn bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế, đó là: Thỏa thuận chi trả giảm phát thải ký với Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới từ tháng 10/2020, thời gian thực hiện đến năm 2025. Theo thỏa thuận, Việt Nam có trách nhiệm giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2 trên diện tích 5,1 triệu ha (trong đó có 3,1 triệu ha là rừng) ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ và nhận khoản tài chính 51,5 triệu USD; Ý định thư được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) - cơ quan nhận ủy thác của Liên minh Giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính cho rừng (LEAF) cho phép Việt Nam chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn carbon giảm phát thải từ 4,26 triệu ha rừng tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong giai đoạn 2022 - 2026. LEAF/Emergent sẽ thanh toán cho dịch vụ này tổng giá trị 51,5 triệu USD; Quảng Nam được thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng, giai đoạn 2021 - 2025, với tổng tín chỉ xuất khẩu dự kiến khoảng 6 triệu.
Theo các chuyên gia, đây được coi là nguồn tài nguyên mới, nếu biết khai thác sẽ có nguồn kinh phí lớn để nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ, phát triển rừng tại Việt Nam.
Sớm hoàn thiện quy định chi tiết
Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Giám đốc Dự án chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam (VNPMR) - cho biết, qua 5 năm triển khai, Dự án VNPMR đã cơ bản hoàn thành, với những đóng góp quan trọng từ các nghiên cứu thí điểm tại một số ngành như: Sản xuất thép, quản lý chất thải rắn. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để Việt Nam tiến tới hình thành, phát triển thị trường carbon trong nước cũng như tham gia thị trường carbon thế giới.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã có ý kiến về việc phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để hình thành và vận hành thị trường carbon; trên cơ sở đó chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon trong nước đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng từ việc mua bán tín chỉ carbon của rừng Việt Nam, giới chuyên gia cho hay, Việt Nam cần hoàn thiện nhiều quy định chi tiết để hình thành thị trường carbon trong và ngoài nước; xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê, giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành…; có sự sẵn sàng về quy định và kinh doanh để đảm bảo xây dựng, vận hành thị trường tín chỉ carbon thành công.
Việt Nam đã bắt buộc phải thực hiện giảm phát thải theo cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu từ năm 2021. Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. |