Tổng giám đốc Phan Tử Giang cùng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thăm giàn khoan.
CôngThương - Đồng loạt triển khai 3 dự án
Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard) là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), được thành lập tháng 7/2007 nhằm mục đích chế tạo, sửa chữa, hoán cải các loại giàn khoan biển như: giàn khoan tự nâng, giàn bán chìm, tàu khoan và các cấu kiện thượng tầng ngoài khơi, các phương tiện nổi hay tàu chuyên chở dầu... PV Shipyard mang sứ mệnh trở thành công ty chế tạo giàn khoan hàng đầu tại Việt Nam, mở ra cơ hội cạnh tranh trên khu vực và thế giới bằng ngành sản xuất công nghệ cao và phức tạp.
Hiện nay, PV Shipyard đang triển khai đồng thời 3 dự án: Dự án đầu tư xây dựng căn cứ đóng mới và sửa chữa giàn khoan dầu khí; Dự án đóng mới giàn khoan tự nâng 90m nước; Dự án khoa học công nghệ “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”.
Để kịp thời phục vụ dự án cơ khí trọng điểm chế tạo giàn khoan tự nâng 90m nước, PV Shipyard đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng căn cứ đóng mới và sửa chữa giàn khoan dầu khí có tổng mức đầu tư 4.556,6 tỉ đồng. PV Shipyard đã ký hợp đồng thuê 39,8 ha đất nằm trong diện tích 163 ha của dự án đầu tư Căn cứ dịch vụ hàng hải Dầu khí Sao Mai – Bến Đình (Bà Rịa – Vũng Tàu) và tiến hành khởi công xây dựng giai đoạn I Căn cứ chế tạo giàn khoan Dầu khí vào tháng 1/2009.
Đối với dự án đóng mới giàn khoan tự nâng 90m nước, ngay từ khi chính thức đi vào hoạt động, PV Shipyard đã nhanh chóng tiến hành hàng loạt các nghiên cứu nhằm mục đích làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo giàn khoan, thuê chuyên gia, đào tạo nguồn nhân lực triển khai ngay các hạng mục của dự án. Có thể nói, Dự án đóng mới giàn khoan tự nâng 90m nước đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo của Việt Nam, đặc biệt là công nghiệp chế tạo các loại giàn khoan dầu khí. Đây là ổ hợp giàn khoan di động quy mô lớn trên biển, là sản phẩm cơ khí chế tạo ứng dụng công nghệ cao lần đầu tiên được tổ chức sản xuất tại Việt Nam, có sự tham gia hướng dẫn, tư vấn quản lý và giám sát của các chuyên gia nước ngoài, vì vậy, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào “Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và Danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm” tại Quyết định số 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/1/2009. Dự án đóng mới giàn khoan tự nâng 90m nước được khởi công vào ngày 26/6/2009 với tổng mức đầu tư hơn 200 triệu USD, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành, bàn giao cho PVN vào tháng 5/2012.
Bên cạnh đó, PV Shipyard hiện cũng là đơn vị thực hiện 8/11 đề tài trong Dự án khoa học công nghệ “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và công nghệ chế tạo, lắp ráp, hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”.
Phấn đấu về đích sớm
Sau gần 2 năm quyết tâm và đầu tư mạnh mẽ, một căn cứ chế tạo giàn khoan dầu khí qui mô và chuyên nghiệp đã hình thành. Trong đó, PV Shipyard đã khẩn trương và từng bước triển khai đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy chế tạo trên tổng diện tích gần 40ha. Đến nay đã cơ bản hoàn thành đầu tư giai đoạn I theo đúng kế hoạch với các hạng mục cơ bản như: văn phòng, cầu cảng, đường trượt, các nhà xưởng, nhà kho, đường, bãi và các công trình phụ trợ, các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Căn cứ hiện tại cho phép PV Shipyard có thể triển khai thi công cùng một lúc 2-3 giàn khoan tự nâng. PV Shipyard đã trang bị 1 cẩu 1.250 tấn - là cần cẩu bờ tự hành lớn nhất Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, cùng với việc đầu tư ụ khô trong giai đoạn II của dự án, một vài năm tới sẽ hội tụ đủ điều kiện để PV Shipyard bắt tay vào chế tạo hệ thống giàn bán chìm đầu tiên của Việt Nam và các loại phương tiện nổi, giàn khoan phức tạp khác của ngành dầu khí.
Hiện tại, Dự án giàn khoan tự nâng 90m nước cũng đang được tổ chức thực hiện rất khẩn trương, đúng tiến độ. 3 dự án dịch vụ kỹ thuật về giàn khoan khác đều được PV Shipyard hoàn thành trước thời hạn và đảm bảo chất lượng, được các đối tác đánh giá cao. Thực tế tham quan công trường cho thấy, dự án đã thi công chế tạo đạt trên 68% khối lượng tổng thể, trong đó đã hoàn thành 100% công tác thiết kế, trên 90% công tác mua sắm và gần 65% công tác chế tạo; tổ chức thành công lễ đặt ky (keel laying) giàn khoan vào ngày 21/9/2010 và tổ hợp đoạn chân đầu tiên vào ngày 7/11/2010. Dự kiến giàn khoan 90m nước sẽ được hạ thủy trong tháng 8/2011.
PV Shipyard cũng đã được cấp các Giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, Giấy chứng nhận hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn OHSAS 18001 và đang tiếp tục hoàn thiện để hướng tới việc nhận Giấy chứng nhận về hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 trong năm 2011. Đây chính là sự khẳng định chân thực nhất cho việc hướng tới một môi trường làm việc chuyên nghiệp, chất lượng, có trách nhiệm và tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực quốc tế.
Mục tiêu là thị trường nước ngoài
Để đạt được những kết quả trên, PV Shipyard luôn coi con người là yếu tố then chốt của sự thành công. Đến nay, công ty đã tập hợp được đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao, đủ sức đáp ứng những yêu cầu cao nhất của công việc với trên 700 lao động. Với độ tuổi lao động bình quân là 31, PV Shipyard hiện là một trong những công ty có đội ngũ nhân lực trẻ nhất trong hệ thống của PVN.
Với những thế mạnh như vậy, trao đổi với chúng tôi, Tổng giám đốc Phan Tử Giang cho biết, mục tiêu của PV Shipyard thời gian tới là nhắm tới thị trường nước ngoài. Bởi khách hàng trong nước chưa nhiều nên xuất khẩu ra nước ngoài là hướng đi hiện thực và tốt nhất. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài việc đòi hỏi phải có sự mạnh dạn, dũng cảm và quyết đoán của PV Shipyard thì cần sự ủng hộ của Chính phủ, địa phương và các cấp quản lý. Bởi thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện, dự án còn gặp không ít vướng mắc và bất cập. Cụ thể, đến nay Dự án đầu tư xây dựng căn cứ đóng mới và sửa chữa giàn khoan dầu khí vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép xây dựng (mặc dù PV Shipyard đã hoàn tất công tác chuẩn bị hồ sơ dự án và đã được các sở, ngành thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác nhận là đủ điều kiện để cấp)... Sự chậm trễ trong hoàn tất thủ tục pháp lý đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của PV Shipyard, đặc biệt là trong việc huy động vốn vay.
Tại Dự án đóng mới giàn khoan tự nâng 90m nước, 98% vật tư phục vụ sản xuất giàn đều phải nhập ngoại. Kèm theo đó là các loại thuế khác có liên quan như: thuế nhà thầu phụ nước ngoài, thuế thu nhập cá nhân các chuyên gia tư vấn nước ngoài, thuế GTGT bán hàng cho người mua trong nước... như vậy, trung bình tổng số tiền thuế PV Shipyard phải nộp chiếm trên 18% tổng chi phí tạm tính của một dự án đóng mới giàn khoan. Việc phải chịu các mức thuế không hợp lý này đang làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của PV Shipyard vào các gói thầu đóng mới giàn khoan cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong thời gian tới, khi mà PV Shipyard sẽ thực hiện việc tham gia đấu thầu quốc tế.
Để PV Shipyard có thể thực hiện thành công Dự án đóng mới giàn khoan tự nâng 90m nước nằm trong khuôn khổ chương trình cơ khí trọng điểm Quốc gia theo đúng tiến độ đã đặt ra, PV Shipyard có một số kiến nghị Chính phủ, Bộ như sau: Thứ nhất, cho phép tách khu đất 63 ha thuộc dự án Cảng Container quốc tế Sao Mai – Bến Đình để phục vụ cho việc hoàn thiện thủ tục pháp lý cho dự án căn cứ chế tạo giàn khoan Dầu khí, trên cơ sở đó, PV Shipyard có đủ điều kiện để thực hiện các thủ tục vay vốn và đưa hạng mục cầu cảng vào khai thác sử dụng để hạ thủy giàn khoan. Thứ hai, kiến nghị các bộ, ngành chức năng sớm có chủ trương và quyết định cho phép PV Shipyard được hưởng mức thuế suất bằng 0% đối với thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế nhà thầu nước ngoài. Đồng thời, cũng được áp dụng mức thuế suất 0% đối với thuế GTGT đầu ra cho sản phẩm giàn khoan, tàu khoan do PV Shipyard thực hiện chế tạo. Thứ ba, được bổ sung các sản phẩm giàn khoan và cung cấp dịch vụ sửa chữa giàn khoan của Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan Dầu khí vào danh mục nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, sản phẩm trong nước đã sản xuất được, nhằm tạo điều kiện cho PV Shipyard cũng như ngành công nghiệp chế tạo giàn khoan trong nước phát triển. Theo đó, kiến nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực chế tạo giàn khoan nhằm tạo sự phát triển bền vững và chủ động.