Hướng tới “xanh hóa” trong công nghiệp
Các doanh nghiệp nhận chứng chỉ thực hiện thành công mô hình trình diễn sản xuất sách hơn
- Các báo cáo đã tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững hiện nay của Việt Nam cũng như kinh nghiệm thế giới, các giải pháp kỹ thuật sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (SXSH), các mô hình phát triển cộng đồng bền vững, hoạt động SXSH trong công nghiệp. Hội nghị cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận về các gỉải pháp, kế hoạch nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.
Về SXSH, theo Chương trình Nghị sự 21, tính đến nay Việt Nam đã có khoảng 1.300 doanh nghiệp của 63 tỉnh , thành phố trên cả nước tham gia áp dụng các giải pháp SXSH. Trong ngành năng lượng, tỷ lệ thất thoát điện từng bước được khống chế và giảm dần, chương trình “Công nghiệp hóa sạch” hay còn gọi là sản xuất sạch hơn được Bộ Công Thương triển khai đã mang lại những kết quả đáng khích lệ với trên 300 doanh nghiệp thực hiện áp dụng, hàng nghìn cán bộ tư vấn SXSH đã được đào tạo và tập huấn. Đây là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy chiến lược quốc gia về SXSH trong công nghiệp được triển khai từ năm 2010 sớm về đích.
Về vấn đề “xanh hóa công nghiệp”, PGS.TS Trần Văn Nhân- Giám đốc Công Ty trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam- nhận định: “Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, một số ngành sản xuất công nghiệp đặc thù có thể gây ô nhiễm cao như xi măng, gốm, sắt thép, hóa chất- phân bón,giấy và bột giấy đã cho các kết quả rất khả quan trong công cuộc thực hiện “xanh hóa công nghiệp”. Đặc biệt Trung Quốc đã xây dựng và triển khai Luật xúc tiến SXSH từ năm 2003, cùng với đó là 54 ngành đã có hướng dẫn SXSH. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta mới đang bước đầu thực hiện chiến lược quốc gia về SXSH. Theo ông Nhân, các doanh nghiệp Việt Nam rất cần một khung pháp lý và chế tài đủ mạnh để tuân thủ áp dụng các giải pháp SXSH.
Về mô hình cộng đồng bền vững, trên thực tế, chúng ta đang hướng tới xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCH-KCX)sinh thái. Có thể kể ra đây một điển hình như mô hình KCX sinh thái Linh Trung 1- Thủ Đức- TP. Hồ Chí Minh. Với 26 doanh nghiệp và 2 ngân hàng đang hoạt động trong KCX, các doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn như Công ty VINA DANY, Công ty TNHH Fuji Implse, Kim Khí Trung Nhất… Giải pháp chính của các công ty này là thu hồi phế liệu, phế phẩm để tái chế sử dụng ngay trong dây chuyền sản xuất của mình. Các công ty thực hiện trao đổi phế phẩm, phế liệu với nhau như Công ty TNHH Theodore Alexander và Công ty Super Gain: một phần gỗ phế liệu của Công ty TNHH Theodore Alexander được Công ty Super Gain thu gom về làm chất đốt của lò nấu sáp đèn. Tất cả các doanh nghiệp sản xuất trong KCX đều thực hiện trao đổi chất thải với Công ty Liên doanh Sepzone hoặc với các cơ sở thu mua phế liệu, tái sinh, tái chế chất thải bên ngoài KCX…
Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Những năm qua, Bộ Công Thương đã đề xuất và thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững như: chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006- 2015, đề án phát triển nhiên liệu sinh học giai đoạn đến năm 2015 tầm nhìn 2020, đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường và chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2015 tầm nhìn 2020. Các chương trình này đã góp phần không nhỏ vào việc chuyển đổi nền sản xuất và thói quen tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp theo hướng tận dụng tối đa nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát sinh các chất thải ra môi trường, tạo điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động, đồng thời tăng năng suất, nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp, hướng tới một nền công nghiệp xanh theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và thế giới.
Cũng tại diễn đàn này, 29 doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương trao chứng chỉ thực hiện thành công mô hình trình diễn về SXSH với sự hỗ trợ của hợp phần CPI trong giai đoạn 2006-2010.
Nguyễn Duyên