Huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên: Phấn đấu về đích huyện nông thôn mới kiểu mẫu
Với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau” và chọn những tiêu chí cơ bản làm “đòn bẩy” để tạo đà thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chú trọng phát huy tinh thần tích cực, chủ động tham gia của người dân đã giúp huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên đạt được kết quả khả quan trong quá trình phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Diện mạo khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn La Tiến, xã Nguyên Hòa |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 7 nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết số 200-NQ/HU ngày 16/4/2021 về Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu huyện Phù Cừ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Với quan điểm khi được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu phải có đặc trưng để tạo ra sự khác biệt, huyện Phù Cừ xây dựng Đề án xây dựng huyện Phù Cừ đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu về bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung định hướng ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025. Quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu được thực hiện theo lộ trình, kế hoạch những địa phương nào có khả năng bứt phá, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để địa phương đó sớm hoàn thành các tiêu chí sớm hơn so với dự kiến. Xã Tam Đa - xã nông thôn mới đầu tiên của huyện là một ví dụ điển hình.
Xã Tam Đa trước đây không phải là xã điểm về xây dựng nông thôn mới của huyện nhưng từ sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã nỗ lực rất lớn. Nhận thấy được những mặt tích cực đó, huyện đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên hỗ trợ bắt tay thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu về phát triển sản xuất tại xã Tam Đa.
Được sự quan tâm của huyện ủy, UBND huyện, xã đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao. Trên 90% diện tích đất cấy lúa được chuyển đổi sang trồng các loại cây có thế mạnh ở địa phương như: vải lai chín sớm, cam Vinh, cam đường canh, nhãn... Các mô hình chuyển đổi này đều mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp từ 8 - 10 so với cấy lúa. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tạo động lực để xã sớm về đích nông thôn mới kiểu mẫu.
Mô hình vườn cam ở xã Tam Đa |
Xác định nông thôn mới phải “mới" từ mỗi nhà đến xóm, thôn, xã Nhật Quang đã xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện một cách trọng tâm và toàn diện. Xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn phát triển kinh tế hộ gia đình; đồng thời chỉ đạo các hội, đoàn thể xây dựng mô hình về bảo vệ môi trường. Nổi bật là mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình do Hội Liên hiệp phụ nữ xã đảm nhận. Đến nay, toàn xã có trên 80% số hộ gia đình tham gia mô hình phân loại, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình. Cùng với đó, xã tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các mô hình “Nhà sạch, ngõ sạch”, “Nhà sạch, vườn đẹp” và trồng đường hoa để tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Với phương châm “Làm tới đâu chắc tới đó”, xã Phan Sào Nam đã phát huy được tinh thần tích cực, chủ động của nhân dân. Người dân trong xã đã đóng góp gần 226 tỷ đồng để xây dựng nhiều hạng mục công trình như: Xây dựng, sửa chữa nhà văn hóa thôn, làm đường giao thông thôn, xóm, đường ra đồng. Công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng nông thôn mới, được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát và dân hưởng lợi, vì thế người dân rất vui vẻ, nhiệt tình tham gia các phong trào hiến đất làm đường, ủng hộ tiền xây dựng công trình văn hóa do địa phương phát động.
Đến nay, huyện Phù Cừ có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15 khu dân cư đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Bí thư huyện ủy Phù Cừ, bài học lớn trong xây dựng nông thôn mới được huyện rút ra là tập trung tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích xây dựng nông thôn mới, trong đó người dân là trung tâm, người trực tiếp thụ hưởng, từ đó phát huy tính chủ động, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và triển khai thực hiện giải pháp đồng bộ, lộ trình cụ thể sát với thực tế sẽ là “đòn bẩy” để huyện đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.