Huyện Sa Thầy là một trong những huyện chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi cả 5 công trình đều nằm trên 2 con sông lớn là Pô Kô và Sê San chảy qua địa phận huyện Sa Thầy nên diện tích đất ở, đất sản xuất, đất rừng bị ngập trong lòng hồ các công trình thủy điện là rất lớn; số xã, số thôn làng, số hộ dân phải di dời đến nơi ở mới cao nhất trong các địa phương của tỉnh Kon Tum. Trong tổng số 13 xã và 1 thị trấn của toàn huyện Sa Thầy (với dân số 51.000 người), thì có 6 xã bị ảnh hưởng vùng ngập gồm Sa Bình, Ya Ly, Ya Xiêr, Ya Tăng, Ia Tơi, Hơ Moong với khoảng 1/3 dân số toàn huyện.
Việc xây dựng các công trình thuỷ điện này đã có tác động rất lớn đến việc phát triển kinh tế xã hội của huyện Sa Thầy. Cụ thể:
Các công trình thủy điện này đã cung cấp một nguồn điện năng rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội, cải tạo môi trường, điều tiết lũ, đảm bảo nguồn nước tưới cho các cánh đồng vùng hạ du sông Sê San và góp phần giải quyết các vấn đề lớn về xã hội. Đến nay, 100% các thôn làng, các công sở và các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới quốc gia để sản xuất và sinh hoạt đã làm thay đổi tập quán sinh hoạt và sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số.
Cơ sở vật chất, hạ tầng công nghiệp, y tế, giáo dục được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi để củng cố khối đại đoàn kết các cộng đồng dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tình thần cho nhân dân dân.
Từng bước thay đổi tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng của huyện, nâng dần mức sống cho nhân dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Sa Thầy là 21 triệu đồng/người/năm. Trong những năm qua, Sa Thầy đã chuyển đổi phần lớn diện tích trồng sắn trên nền đất bạc màu sang trồng bời lời, cà phê, cao su mang lại giá trị kinh tế ổn định. Tuy cao su trong mấy năm gần đây, giá xuống thấp, nhưng với diện tích 40.000 ha, huyện Sa Thầy đã thuộc vùng trồng cao su lớn nhất của tỉnh Kon Tum và được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đánh giá chất lượng mủ cao su cao nhất khu vực Tây Nguyên.
Tăng thu ngân sách cho địa phương thông qua việc thu thuế tài nguyên nước, thuế VAT và thu từ các hoạt động liên quan khác đến hoạt động của các nhà máy.
Tạo ra một diện tích mặt nước lớn giúp người dân nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trong lòng hồ…
Bên cạnh những tác động tích cực là những tác động ngoài ý muốn mà huyện SaThầy là một trong những huyện chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi cả 5 công trình đều nằm trên 2 con sông lớn là Pô Kô và Sê San chảy qua địa phận huyện Sa Thầy nên diện tích đất ở, đất sản xuất, đất rừng bị ngập trong lòng hồ các công trình thủy điện là rất lớn; số xã, số thôn làng, số hộ dân phải di dời đến nơi ở mới cao nhất trong các địa phương của tỉnh Kon Tum. Trong tổng số 13 xã và 1 thị trấn của toàn huyện Sa Thầy (với dân số 51.000 người), thì có 6 xã bị ảnh hưởng vùng ngập gồm Sa Bình, Ya Ly, Ya Xiêr, Ya Tăng, Ia Tơi, Hơ Moong với khoảng 1/3 dân số toàn huyện, bị thiếu đất sản xuất, đời sống gặp khó khăn, cần được Nhà nước quan tâm hỗ trợ về mọi măt để sớm thoát nghèo.
Việc khai thác lợi thế về vùng ngập nước lòng hồ là một giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay. Mỗi công trình thủy điện đều có một diện tích bị ngập nước rất lớn, trong đó có diện tích bị ngập nước quanh năm và có diện tích bị ngập theo thời vụ. Diện tích bị ngập nước tạo ra một môi trường lớn để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản đồng thời cũng là môi trường để khai thác du lịch sinh thái. Diện tích đất bán ngập cung cấp một quĩ đất có lượng phù sa lớn, có thể gieo trồng các loại cây lương thực ngắn ngày để phục vụ đời sông nhân dân.
Để khai thác lợi thế này, trong những năm qua, UBND huyện đã phối hợp chặt chẽ với Công ty thủy điện IaLy trong việc cung cấp thông tin về tiến độ, thời gian, tích và xả nước của các công trình thủy điện để các địa phương biết, xây dựng kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Vì vậy, nhân dân vùng ngập lòng hồ thủy điện có thêm nguồn đất để gieo trồng các loại cây như lúa, ngô, khoai, sắn, các loại rau quả phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hàng năm, các địa phương vùng ngập lòng hồ thủy điện đều khai thác tối đa lợi thế này để phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, giúp người dân giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
Mặt khác, huyện cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng, các xã tập trung nuôi trồng, đánh bắt thủy sản lòng hồ để cung cấp nguồn thủy sản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn. Hiện nay, sản lượng thủy sản khai thác tại các lòng hồ cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công ty thủy điện IaLy, các nhà máy thủy điện khác để khai thác triệt để các lợi thế của vùng ngập nước lòng hồ để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.