Huyền thoại Ngã ba Đồng Lộc
Tổng Biên tập Vuasanca - Nguyễn Hữu Quý thắp hương, dâng những bông hoa trắng tri ân
- Đoàn đã dừng chân tại Ngã ba Đồng Lộc, cùng nhau thắp những nén tâm nhang, đặt những bông hoa tươi thắm, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn đến sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ mà đặc biệt nhất là 10 cô gái, những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu.
Ngã ba Đồng Lộc chính là địa danh lịch sử, được gắn liền với nhiều huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã tiếp quân, tiếp đạn, lương thực của dân tộc Việt Nam cho tiền tuyến. Nơi đây đã thấm đậm bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và xương máu của đồng đội ngã xuống vì tiền tuyến, vì miền Nam thân yêu. Dẫu trong mưa bom bão đạn, Ngã ba Đồng Lộc luôn là mạch máu giao thông không bao giờ tắc nghẽn.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc là một trong những mạng lưới giao thông quan trọng của hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn năm xưa. Sau sự kiện tết Mậu Thân 1968, yêu cầu chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng tăng. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, khi tuyến đường quốc lộ 1A địa bàn đi qua Hà Tĩnh hầu như bị địch khống chế hoàn toàn. Lúc đó mọi thông thương chính từ Bắc vào Nam như: Vũ khí đạn dược, lương thực thuốc men, các loại hàng hóa để chi viện cho chiến trường bắt buộc phải chuyển hướng lên con đường 15A đi qua Ngã ba Đồng Lộc. Vì vậy con đường này được đánh giá là yết hầu, là mạch máu giao thông, là con đường độc đạo duy nhất đảm bảo sự nối liền giữa 2 miền, giữa hậu phương và tiền tuyến.
Nhận thức rõ vị trí hết sức quan trọng của tuyến đường quốc lộ 15A, cũng như của Ngã ba Đồng Lộc, đế quốc Mỹ đã quyết tâm bằng mọi giá và chúng đã dồn mọi sức mạnh của không lực để đánh phá. Âm mưu của đế quốc Mỹ là biến nơi đây thành thời kỳ đồ đá, không một bóng người, không một chuyến xe qua. Chỉ tính riêng trong vòng 7 tháng, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, giặc Mỹ đã đánh vào đây hơn 2.000 tấn bom đạn, hơn 49.000 quả bom các loại dội xuống. Bình quân mỗi mét vuông đất tại Ngã ba Đồng Lộc hứng chịu hơn 3 quả bom các loại cày phá. Tại mảnh đất này khi đó, bom chồng lên bom, hố chồng lên hố, không một bóng cây ngọn cỏ nào có thể mọc nổi trên mảnh đất này.
Thế nhưng, sống trong chảo lửa, túi bom này là các lực lượng chiến đấu, luôn kề cận giữa cái sống và chết nhưng họ rất lạc quan tin tưởng vào một ngày mai đất nước Việt Nam được thống nhất. Điều lạc quan tin tưởng đó được thể hiện rõ trong bức thư của chị Võ Thị Tần - Tiểu đội trưởng tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong. Bức thư gửi về cho mẹ đúng 5 ngày trước lúc các chị hy sinh. Trong bức thư có đoạn viết: “Ở đây vui lắm mẹ à, ban đêm chúng nó thắp đèn để chúng con làm đường, còn ban ngày chúng lại đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển cả núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển được những trái tim của chúng con mẹ à…”
Cả 10 chị đều sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Hà Tĩnh. Khi đến đây, tuổi các chị còn rất trẻ, người trẻ tuổi nhất là chị Võ Thị Hà, lúc hy sinh chị mới tròn 17 tuổi. Còn 3 chị lớn tuổi nhất là chị Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc và chị Nguyễn Thị Nhỏ cũng chỉ mới 24 tuổi. 10 cô gái đã đến trọng điểm Ngã ba Đồng Lộc với công việc chính là đào đất, bê đá, san lấp hố bom. Nhiều đêm các chị còn mặc áo trắng cầm tay nhau để làm hàng rào cắm tiêu mở đường dẫn lối cho các đoàn xe đi vào mặt trận an toàn.
Ngày 24/7/1968 định mệnh, suốt buổi sáng máy bay địch bắn phá ném bom liên tục, mặt đường 15A nham nhở các hố bom. Nhưng đêm đó, bằng bất cứ giá nào tuyến đường phải được thông suốt để một đoàn xe chi viện lớn cho chiến trường miền Nam. Nhận được lệnh, 10 cô gái đúng 12 giờ trưa trên vai cuốc xẻng đã bất chấp tính mạng của mình tiến về Ngã ba Đồng Lộc để làm đường, san lấp hố bom. Máy bay do thám của Mỹ đã phát hiện ra các chị đang san lấp hố bom, chúng cho hàng loạt tổ bay ồ ạt nhao đến ném bom. Đã nhiều lần các chị bị đất đá vùi lấp, nhưng các chị vẫn tiếp tục đứng dậy. Người đào, người xúc, bê đá san lấp hố bom để cho tuyến đường huyết mạch có thể được thông. Thế nhưng đến lượt bom thứ 15 trong ngày hôm đó đã dội trúng và các chị đã vĩnh viễn nằm xuống trên mảnh đất thân yêu của mình.
Bất chấp trời mưa như trút của cơn bão số 2, nhưng những đoàn người vẫn cứ đội mưa nối đuôi nhau dâng hương kính cẩn nghiêng mình trước các chị. 10 cô gái trinh trắng đã ngã xuống để cho đoàn quân, những chuyến hàng thông qua nối hậu phương với tiền tuyến. Sự hy sinh của các chị đã hóa thành bất tử làm nên một Ngã ba huyền thoại. Chiến tranh đã lùi xa, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành hồn thiêng sông núi, là địa chỉ có sức hút kỳ lạ trong đời sống tinh thần của đồng bào cả nước.
Phạm Tiệp