Liên tục xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng
Thường Tín là huyện nằm ở phía Nam thành phố Hà Nội, diện tích 127,59 km2 với dân số trên 240.000 người sống trên địa bàn 169 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố, thuộc 28 xã và 1 thị trấn. Huyện có hệ thống đường giao thông với hai tuyến đường bộ chạy dọc huyện là quốc lộ 1A cũ và tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cùng các tuyến đường tỉnh lộ 427, 429. Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua với 3 nhà ga là Thường Tín, Tía và Đỗ Xá, đường thủy nội địa có sông Hồng chảy qua với 2 cảng sông là Hồng Vân và Vạn Điểm, tạo thành trục giao thông vành đai quan trọng của Thủ đô.
Huyện Thường Tín: Hướng tới phát triển kinh tế - xã hội toàn diện |
Mặc dù liên tục đưa ra những phương án xây dựng và nâng cao nhưng hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của huyện còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự kết nối giữa các xã trong huyện và giữa huyện với các địa phương khác. Ðể khắc phục điểm yếu này, năm 2015, Huyện ủy Thường Tín đã xây dựng Chương trình số 01 về tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ; bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2015 - 2020. Sau đó, UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó tập trung vào công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hạ tầng đô thị. Sau khi quy hoạch nông thôn mới của các xã trên địa bàn huyện được phê duyệt, huyện tập trung rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn, đồng thời điều chỉnh đồ án quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sản xuất các địa phương phù hợp yêu cầu phát triển phát triển trong tình hình mới. Ðồng thời, đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông lớn như đường 427 theo hướng tuyến mới, đường Ức Trai - Nguyễn Trãi, tuyến đường quốc lộ 1 - Dũng Tiến - Nghiêm Xuyên, đường Thắng Lợi - Lê Lợi…, từng bước tạo thành hệ thống giao thông đồng bộ trên địa bàn và kết nối với khu vực. Đặc biệt, tháng 8/2019 vừa qua, huyện đã khởi công xây dựng Trường THPT Thường Tín, công trình được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo chất lượng cao mang lại mang lại niềm hứng khởi cho người dân trong huyện.
Một điểm nhấn trong phát triển kết cấu hệ thống hạ tầng của huyện Thường Tín thời gian qua là gắn với thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng hơn 450 km đường giao thông nông thôn, bảo đảm tất cả hệ thống đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, đường liên thôn, xóm ô-tô đi lại thuận tiện. Các tuyến đường ngõ, xóm, đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Hệ thống trường học được quan tâm đầu tư xây dựng, trong đó 64 trường trên tổng số 88 trường THCS, tiểu học và mầm non, được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Công tác dồn điền đổi thửa, gắn với quy hoạch lại các vùng sản xuất, đầu tư hệ thống thủy lợi được quan tâm. Chín trạm bơm được xây dựng mới, kiên cố hóa hơn 250 km kênh mương, bảo đảm toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động, giúp cho việc sản xuất nông nghiệp của người dân được thuận lợi hơn. Như vậy, chương trình số 01 của Huyện ủy với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng môi trường đã cơ bản hoàn thành.
Nỗ lực hoàn thiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM)
Sau 6 năm triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Thường Tín đã có 24/29 xã được công nhận đạt chuẩn. Năm 2019, huyện tập trung mọi nguồn lực giúp các địa phương còn lại “cán đích” và phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2020. Tính từ năm 2016 đến đầu năm 2019, tổng nguồn vốn xây dựng NTM của huyện Thường Tín đạt trên 1.029 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương và ngân sách Thành phố hỗ trợ trên 143,6 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 518 tỷ đồng, vốn từ các chương trình lồng ghép gần 311 tỷ đồng, vốn huy động từ nhân dân trên 14,8 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân tự nguyện hiến, góp hàng trăm hécta đất để làm đường trục nội đồng, mở rộng đường giao thông, và các công trình phúc lợi xã hội. Diện mạo nông thôn huyện Thường Tín thay đổi mạnh mẽ, hệ thống hạ tầng phát triển nhanh, nhiều công trình được đầu tư xây dựng, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Đại diện huyện cũng cho biết: Toàn huyện hiện có 27 xã đạt chuẩn về tiêu chí giảm số hộ nghèo, 100% xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, 20 xã đạt tiêu chí văn hóa, có 26 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm, số hộ giàu và khá tăng cao.
Ðiểm nổi bật nhất trong thời gian qua là huyện đã tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất của người dân. Huyện cũng thường xuyên vận động các hộ sản xuất, các trang trại liên danh liên kết, chuyển đổi ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung; nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, Thường Tín đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như lúa hàng hóa tập trung vùng cây ăn quả; vùng nuôi trồng thủy sản… Bên cạnh đó, công tác chuyển giao khoa học công nghệ cũng thường xuyên được quan tâm và đầu tư, mô hình chuyển đổi hợp tác xã dịch vụ mới đã được hình thành góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất.
Ngoài ra, về mặt văn hóa – xã hội, huyện tiếp tục đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao ở cơ sở, nâng cao tỷ lệ số thôn và hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Công tác giáo dục cũng được huyện đặc biệt quan tâm.
Đằng sau những kết quả ấn tượng của một năm phấn đấu hoàn thành mục tiêu, chính là một Đảng bộ huyện Thường Tín với tinh thần đoàn kết vững mạnh, chính quyền năng động, sáng tạo, Nhân dân cần cù, vươn lên từ xuất phát điểm thấp; là điểm sáng trong bức tranh phát triển KTXH của Thủ đô Hà Nội.