Quang cảnh hội thảo |
Ngành hàng không là một trong những ngành có lượng phát thải khí CO2 gây ra hiệu ứng nhà kính lớn. Nếu coi hàng không dân dụng như một quốc gia, thì mức phát thải CO2 của “quốc gia hàng không” sẽ đứng thứ 7 trên thế giới về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo dự báo của Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), xu hướng phát triển hàng không hiện nay vẫn tiếp diễn, lượng phát thải CO2 từ ngành hàng không sẽ tăng gấp ba lần trên toàn thế giới vào năm 2050.
Với tốc độ tăng trưởng hàng năm 14%, ngành hàng không Việt Nam đang là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới. Điều này ngoài thúc đẩy những tiến bộ của nền kinh tế nói chung thì ngành hàng không Việt Nam cũng khiến mức độ phát thải CO2 ra khí quyển gia tăng góp phần tác động làm biến đổi khí hậu. Theo đó, giống như những cơ sở hạ tầng quan trọng khác, cơ sở hạ tầng ngành hàng không Việt Nam cũng sẽ phải tăng cường hơn khả năng thích nghi với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phải đối mặt thường xuyên hơn với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, dịch vụ hàng không có thể bị đình trệ đối với các sân bay thấp do ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai…
Đó là một trong những lý do quan trọng kế hoạch hành động quốc gia giảm phát thải CO2 từ hoạt động hàng không dân dụng Việt Nam được xây dựng và tham vấn ý kiến các bên liên quan trình cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai. Theo dự thảo kế hoạch, ngành hàng không Việt Nam sẽ thực hiện một số nhóm giải pháp giảm phát thải CO2 thông qua việc: Lựa chọn tàu bay và động cơ công nghệ mới tiết kiệm nhiên liệu; hoàn thiện các giải pháp quản lý không lưu và sử dụng hạ tầng; giảm thiểu tải trọng tàu bay, tối thiểu việc sử dụng hệ thống thổi ngược, sử dụng một động cơ khi lăn bánh, tăng hệ số sử dụng tải…; cải tiến chương trình bảo dưỡng tàu bay…; đưa vào khai thác các thiết bị cấp nguồn điện mặt đất và các thiết bị làm mát thay thế APU…; hoàn thiện sân bay bằng việc chuyển đổi thiết bị mặt đất sang động cơ mặt đất chạy bằng điện, gas, nhiên liệu sinh học, sử dụng năng lượng mặt trời, giảm khoảng cách di chuyển tránh lãng phí công suất thiết bị; xây dựng hệ thống đo đạc - báo cáo và kiểm định (MRV) về khí thải CO2 đối với các hãng hàng không, cảng hàng không, các doanh nghiệp và tổ chức phát thải CO2 trong lĩnh vực hàng không.
Hoạt động hàng không dân dụng phát thải CO2 gồm hoạt động của tàu bay, các phương tiện trang thiết bị mặt đất và các hoạt động phi hàng không khác; trong đó, riêng CO2 phát thải ra từ hoạt động của tàu bay chiếm tới 70%. |
Trong giai đoạn 2016-2018, sẽ ưu tiên xây dựng hệ thống quốc gia đo đạc - báo cáo và kiểm định về khí thải CO2 đối với các hãng hàng không; xây dựng đề án thu phí khí thải từ hoạt động hàng không dân dụng ở Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai (dự kiến 2017)…
Theo ông Bakhodir Burkhanov - Phó Giám đốc Quốc gia UNDP tại Việt Nam, kế hoạch hành động quốc gia về giảm phát thải CO2 sẽ giúp các bên liên quan trong lĩnh vực hàng không theo đuổi chiến lược tăng trưởng thông minh. Ngành hàng không Việt Nam đầu tư vào các hành động giảm phát thải CO2 chính là nâng cao hiệu quả kinh doanh bởi nó giảm sử dụng nhiên liệu - một chi phí căn bản của hàng không. Điều này cũng sẽ giúp ngành hàng không Việt Nam tăng tính cạnh tranh, cải thiện hiệu suất vận hành sân bay, giảm chi phí dài hạn, thúc đẩy sáng tạo công nghệ, tăng thêm được mức độ hài lòng của khách hàng.
Các biện pháp giảm thải CO2 dựa vào thị trường trong khuôn khổ toàn cầu theo hướng dẫn của Hiệp hội Hàng không quốc tế (ICAO) sẽ kích thích các nguồn tài chính mới giúp Việt Nam đạt được mục tiêu của kế hoạch. Đặc biệt, các cơ chế bù đắp các-bon có thể giúp nhân rộng đầu tư vào quản lý rừng bền vững ở Việt Nam thông qua thu hồi phát thải các-bon.
“Việc áp dụng các biện pháp dựa vào thị trường nhằm giảm phát thải CO2 cũng có thể tạo thêm được nguồn vốn mà Việt Nam đang rất cần nhằm thúc đẩy ngành hàng không phát triển hơn. Chẳng hạn, với 35 triệu hành khách mỗi năm, chỉ cần thu một khoản “phí xanh” nhỏ cho từng vé áp dụng với tất cả các loại vé cho mọi đối tượng cũng sẽ giúp tạo thêm được một khoản doanh thu mới cho ngành hàng không” - ông Bakhodir Burkhanov gợi ý.
Theo ông Christopher Abram - Giám đốc Phòng Môi trường và phát triển xã hội của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hoa Kỳ (USAID): “Kế hoạch quốc gia hành động giảm phát thải CO2 ngành hàng không dân dụng của Việt Nam là cơ hội để tăng cường hiệu quả năng lượng và nhiên liệu nhằm giảm chi phí, duy trì sự phát triển nhanh và lành mạnh không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với ngành hàng không Việt Nam mà còn đối với những nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của biến đổi của khí hậu trên toàn cầu”./.