Kết cấu hạ tầng nông thôn nhiều cải thiện tích cực
Thu gom rác thải nông thôn ở Vĩnh Phúc (Ảnh minh họa) |
Tính đến 1/7/2016 (thời điểm tổng điều tra), cả nước có tổng cộng 8.978 xã, 79.899 thôn (ấp, bản), giảm 1% số xã và giảm 1,2% số thôn so với cùng thời điểm năm 2011. Số lượng xã, thôn giảm, nguyên nhân do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.
Đến nay, mạng lưới điện đã được phủ hầu hết các khu vực nông thôn, 100% số xã đã có điện (năm 2011 là 99,8%). Vùng trung du và miền núi phía Bắc tỷ lệ nông thôn có điện thấp nhất, nhưng cũng đạt 94,5%. Đây là một thành tựu lớn trong triển khai Chương trình cấp điện về nông thôn, miền núi và hải đảo.
Hệ thống giao thông nông thôn cả nước phát triển mạnh. Theo Tổng cục Thống kê, đến nay cả nước đã có tới 8.927 xã có đường ôtô kết nối với UBND huyện, đạt 99,4%, (năm 2011 là 98,6%). Giao thông nông thôn đảm bảo thường xuyên thông suốt với 98,9% số xã có đường ôtô đến UBD huyện đi lại được quanh năm (năm 2011 là 97,2%). Tỷ lệ xã có đường giao thông tới UBND huyện được nhựa hóa, bê tông hoá tăng nhanh từ 70,1% năm 2006, lên 87,4% năm 2011, đạt 97% năm 2016.
Hệ thống trường tiểu học cơ bản phủ khắp các xã (99,7%) trên cả nước, chỉ còn 23 xã (năm 2011 là 51 xã) chưa có. Số xã có trường trung học cơ sở đạt 92,8% và 13,5% số xã có trường trung học phổ thông (năm 2011 tỷ lệ xã có trường trung học cơ sở là 92,9%, trung học phổ thông là 12,8%). Các trường mẫu giáo, mầm non phát triển theo hướng tăng số xã có trường và giảm số thôn có lớp phân tán tại một số vùng, đạt 99,6% số xã có trường mẫu giáo, mầm non (chỉ còn 39 xã chưa có).
Tỷ lệ xã có nhà văn hóa tăng từ 30,6% năm 2006 lên 58,6% năm 2016. Một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trên 90% số xã có nhà văn hóa. 98,3% số xã đã có tủ sách pháp luật (năm 2011 là 97%). Tỷ lệ xã có hệ thống loa truyền thanh tăng từ 81,4% năm 2011 lên 89,6% năm 2016. 8.933 xã đã có trạm y tế (đạt 99,5%), trong đó có 69,8% số xã được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã theo tiêu chuẩn đến 2020. Tuy nhiên, trung du và miền núi phía Bắc hiện vẫn còn 19 xã (chiếm 0,8% số xã của vùng) chưa có trạm y tế xã thuộc các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu.
Cả nước có 34,8% số xã và 22,7% số thôn đã xây dựng hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung (năm 2011 là 18,5% số xã và trên 8,5% số thôn). Hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn đã được nhiều địa phương quan tâm, đến năm 2016 đã có 62,4% số xã (năm 2011 là 44,1%) và 45,3% số thôn có tổ chức thu gom rác thải.
60,8% số xã đã có chợ (năm 2011 là 57,6%). Mạng lưới cửa hàng cung cấp giống, nguyên liệu, vật tư và thu mua sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản cho người dân phát triển nhanh và tăng ở tất cả các vùng trên cả nước, số xã có cơ sở/cửa hàng đạt 80,5% (năm 2011 là 66,5%). Cả nước có 2.479 xã có mô hình tổ hợp tác hỗ trợ phát triển sản xuất (27,6% tổng số xã), trong đó phát triển mạnh ở Đông Nam bộ (61,5% số xã) và đồng bằng sông Cửu Long (84,3% số xã).
Mặc dù Nhà nước và xã hội đã quan tâm, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn và tính hình đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, những số liệu của cuộc tổng điều tra cho thấy, kết quả vẫn còn có những hạn chế. Trong đó, tỷ lệ thôn trong cả nước chưa có điện ở một số tỉnh miền núi vẫn còn khá cao như Điện Biên 14,7%; Hà Giang 11,1%; Sơn La 10,9%; Lào Cai 10,4%; Bắc Kạn 8,5%; Cao Bằng 8,4%…
Hệ thống đường giao thông ở vùng sâu, vùng núi cao, hải đảo vẫn còn rất nhiều khó khăn. Cả nước vẫn còn 51 xã chưa có đường ôtô đi đến UBND xã, 1,2% tổng số xã cả nước có đường ôtô nhưng không đi lại được quanh năm, 3% số xã chưa có đường ôtô đến UBND xã được rải nhựa, bê tông hóa.
Đặc biệt, vấn đề vệ sinh môi trường vẫn còn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Đến nay, mới chỉ có 35,5% số thôn có tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Việc xây dựng hệ thống thoát nước thải ở nông thôn cũng mới chỉ được thực hiện tập trung tại một số địa bàn./.