Kết hợp hài hoà giữa công nghiệp hoá và phát triển đô thị bền vững theo Nghị quyết 06-NQ/TW
Tin hoạt động 18/05/2022 13:04
Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW Nghị quyết 06-NQ/TW: Định hướng phát triển đô thị bền vững |
Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã có tham luận về nhiệm vụ và giải pháp bảo đảm kết hợp đồng bộ, hài hòa giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị và phát triển đô thị bền vững.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, sự phát triển đô thị có mối quan hệ liên kết rất chặt chẽ với các hoạt động sản xuất công nghiệp. Đô thị hóa tăng thì tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Với nhận thức, vai trò và tầm quan trọng của đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị, Nghị quyết số 06-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành vào thời điểm đầu tiên của giai đoạn phát triển mới có ý nghĩa quan trọng để tiếp tục cụ thể mục tiêu đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Để cụ thể hóa mục tiêu là năm 2025 đô thị hóa đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 trên 50%, đến 2045 đạt tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á, căn cứ 6 nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị, với trách nhiệm là của cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp, trên cơ sở bối cảnh trong nước, quốc tế và mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị và phát triển đô thị, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để tổ chức triển khai đồng bộ, bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết 06 kết hợp với Nghị quyết chuyên đề quan trọng khác của Bộ Chính trị như Nghị quyết định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia (Nghị quyết số 23) và chính sách phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trình bày tham luận tại Hội nghị |
Từ phương hướng tiếp cận nêu trên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu lên một số nhiệm vụ và giải pháp được Bộ Công Thương xác định, triển khai để kết hợp đồng bộ, hài hòa giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa với đô thị và phát triển đô thị bền vững trong thời gian tới.
Thứ nhất, cụ thể hóa công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 06 và Chương trình hoạt động thực hiện Nghị quyết số 06 để tạo nhận thức chung tới cán bộ, công chức và người lao động ngành Công Thương cùng hành động, thống nhất triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ cùng các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và các địa phương cụ thể hóa phạm vi, lĩnh vực và nội dung tích hợp quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị với quy hoạch cấp tỉnh để phân bổ không gian phát triển công nghiệp bám sát định hướng chỉ đạo tại Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại các ngành công nghiệp và phát triển các ngành kinh tế từng vùng, từng địa phương theo hướng tập trung, không dàn đều theo địa giới hành chính, bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, quốc phòng và an ninh.
Gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp với chiến lược, quy hoạch phát triển đô thị cũng như các nền kinh tế kỹ thuật có liên quan khác để hình thành các khu đô thị, dịch vụ công nghiệp. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số, tập trung phát triển những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế, có khả năng tham gia sâu, hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
Các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương, ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương, Bí thư (Phó bí thư) các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương; lãnh đạo các đơn vị... dự trực tuyến Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW |
Thứ ba, xây dựng chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo từng ngành, lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với chính sách phát triển đô thị, vùng, địa phương theo nguyên tắc kinh tế thị trường, cụ thể hóa sự liên kết, phân định và chia sẻ chức năng phát triển công nghiệp nội vùng và giữa các vùng. Phát huy hiệu quả vai trò, động lực dẫn dắt của phát triển công nghiệp trong các đô thị và phát triển kinh tế xã hội. Phát triển công nghiệp phù hợp với nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm kinh tế đô thị kết hợp cùng các chính sách phát triển công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt dẫn dắt nền kinh tế quốc dân.
Thứ tư, xây dựng các tiêu chí, điều kiện, cơ chế cụ thể theo Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị. Để phát triển các cụm liên kết ngành công nghiệp bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, trước hết ưu tiên lựa chọn phát triển tại các cùng, địa phương đã bước đầu hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp hoặc có lợi thế về giao thông, địa kinh tế, tài nguyên, lao động, logistics có khả năng trở thành động lực tăng trưởng.
Khẩn trương nghiên cứu để có cơ sở triển khai cơ chế, chính sách xây dựng thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số sản phẩm trong ngành công nghiệp ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị gắn với phát triển đô thị tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế và tổng hợp cửa khẩu ven biển nhằm bảo đảm sự đồng bộ, có sự phân công, phân cấp chức năng hợp lý, liên kết chặt chẽ, chia sẻ cơ hội phân phối chuỗi giá trị, cung ứng nguyên liệu gắn với mục tiêu phát triển đô thị theo đúng Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị.
Thứ năm, tạo lập các động lực tăng trưởng mới và thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng để thực hiện công nghiệp hóa, phát triển nhanh và bền vững, trong đó chú trọng xây dựng các chính sách thúc đẩy việc chuyển dịch các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên và lao động, tác động xấu đến môi trường sang các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Chủ động loại bỏ, hạn chế phát triển hoạt động công nghiệp có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp, chuẩn an toàn thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, sử dụng lãng phí tài nguyên
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các địa phương tham khảo để sớm triển khai một số giải pháp như: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về hiệu suất sử dụng năng lượng, tài nguyên, nguyên vật liệu, về môi trường, về an toàn theo hướng nâng cao hơn, tiệm cận dần tới cấp độ của các nước công nghiệp phát triển nhằm tăng khả năng xuất khẩu và bảo vệ sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và công nghệ, thiết bị và sản phẩm công nghiệp và loại bỏ, không cho phép, hạn chế đầu tư sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật bảo vệ môi trường, Luật an toàn thực phẩm, Luật an toàn vệ sinh lao động.
Thêm vào đó, xây dựng chính sách hỗ trợ thu cũ, đổi mới sản phẩm công nghiệp, tiêu dùng hết hạn sử dụng cho dù có được nâng cấp.