Kết nối chặt chẽ các cơ quan thương vụ và doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, Hội nghị TTTM năm 2018 là sự kiện đầu tiên được Bộ Công Thương tổ chức đầu năm mới Mậu Tuất tại khu vực phía Nam. Cứ 2 năm một lần, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị TTTM để tổng kết các hoạt động trong thời gian qua cũng như đưa ra định hướng hoạt động của các tham tán trong thời gian tới; tạo cơ hội kết nối giữa các tham tán với các địa phương và các DN nhất là các DN xuất nhập khẩu. Nâng cao chất lượng và hoàn thiện công tác thương vụ cũng như tăng cường phối hợp giữa Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Năm 2017 là năm nhiều thử thách nhưng cũng đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của ngành Công Thương trong quá trình đổi mới và tái cơ cấu ngành. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mức 200 tỷ USD, tăng trưởng 21% so với năm 2016, thặng dư thương mại 2,67 tỷ USD.
"Trong thành quả chung này có sự đóng góp quan trọng của ngành Công Thương nói chung, sự đóng góp của các đại diện thương vụ Việt Nam ở các nước nói riêng cũng như sự đóng góp trực tiếp của các DN Việt Nam. Từ phía các TTTM thông qua các hoạt động nghiên cứu thông tin cung cấp cho địa phương và DN, kết nối, xác minh đối tác, hỗ trợ khi có các vụ việc tranh chấp thương mại xảy ra. Các tham tán cũng đã thầm lặng đóng góp cho sự thành công chung của hoạt động xuất nhập khẩu, kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước" - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.
Từ phía các địa phương, ông Trương Quang Hoài Nam - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho hay, thời gian qua, các TTTM đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến nhập khẩu hàng hóa của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... Hỗ trợ địa phương ký kết các hoạt động hợp tác giữa địa phương với các nước. Do đặc điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long với thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản, gạo, thủy sản... đây cũng là những mặt hàng thường xuyên bị tác động bởi chính sách nhập khẩu vì thế rất mong các TTTM đến với các tỉnh thành trong vùng để tìm hiểu thông tin sâu sát về thị trường, sản xuất, thế mạnh của DN. Từ phía các TTTM cũng cần thông tin các chính sách, nhu cầu thị trường, dự báo, tìm các đơn hàng của DN ở nước ngoài, các thông tin hội chợ chuyên ngành uy tín tại nước ngoài và chia sẻ nhanh thông tin DN trong nước để khai thác tốt các cơ hội.
Ông Lâm Văn Bi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, địa phương và các DN cần thông tin đầy đủ hơn về các hiệp định thương mại tự do, thông tin về các đối thủ cạnh tranh cùng ngành hàng ở nước ngoài, xác minh thông tin nhà nhập khẩu nhằm giúp các DN trong nước chủ động nắm bắt thông tin, giúp các địa phương xúc tiến quảng bá có trọng tâm trọng điểm hơn.
Đại diện ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, hiện TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng đề án xuất khẩu đến năm 2030 nhằm xác các định vấn đề căn cơ trọng điểm để tăng trưởng xuất khẩu, kết nối xuất khẩu hàng hóa vào hệ thống phân phối nước ngoài, tham gia xuất khẩu vào các thị trường ngách, phát triển hệ thống logistic, kêu gọi thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng... TP. Hồ Chí Minh và các DN rất cần thông tin hội nhập; Bộ Công Thương cần tổ chức các hội nghị chuyên ngành xuất khẩu, thông tin về thị trường, các ngành hàng, giúp DN khai thác tốt hơn các thị trường xuất khẩu tiềm năng...
Đại diện các hiệp hội ngành hàng như dệt may, điều, gỗ... cũng nêu lên những khó khăn vướng mắc trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia các chương trình xúc tiến, hội chợ chuyên ngành tại nước ngoài, hướng giải quyết các tranh chấp thương mại khi DN vướng phải...
Hội nghị Tham tán thương mại năm 2018 - khu vực phía Nam |
Lắng nghe ý kiến của đại diện các tỉnh thành, DN khu vực phía Nam, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Việt Nam tại EU và Vương quốc Bỉ cũng mang đến một số thông tin rất hữu ích cho các DN và địa phương như cơ hội phát triển vùng nguyên liệu ca cao cho Bến Tre vì nguyên liệu này ở Bến Tre, Tiền Giang được các DN Bỉ và EU đánh giá rất cao về chất lượng. Hay với TP. Hồ Chí Minh tập trung việc phát triển logistics, ông Cường cho rằng tại Bỉ nói riêng và châu Âu nói chung có nhiều chuyên gia, DN lớn về logistics và hoàn toàn có thể kết nối với TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ đào nhân lực, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Một số TTTM cũng cho rằng, ngoài sự hỗ trợ của tham tán, thương vụ tại nước ngoài, các DN trong nước cũng nên chủ động tìm kiếm thông tin thị trường để việc xuất khẩu có hiệu quả hơn vì nhân lực của các thương vụ cũng rất hạn chế. Hay các tham tán cũng lưu ý các DN phải chú trọng đến các hợp đồng thương mại, có luật sư, hoặc bộ phận pháp chế của DN theo dõi vấn đề này để tránh những rủi ro không đáng có.