Các DN ký kết hợp tác cung - cầu hàng hóa năm 2013
CôngThương - Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết, hội nghị này nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” và hỗ trợ các DN, các hợp tác xã (HTX), làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng hóa trong nước có điều kiện thuận lợi nhất để đưa hàng vào hệ thống phân phối và hướng đến mục tiêu kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và hệ thống phân phối. Đây là chương trình hợp tác thương mại giữa TP.HCM với 21 tỉnh thành miền Đông và miền Tây Nam Bộ trong giai đoạn 2011-2015.
Năm nay, ngành Công Thương của 13 tỉnh thành ở miền Tây, và 8 tỉnh miền Đông đăng ký tham gia. Có hơn 400 đơn vị bao gồm DN, hệ thống nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, hệ thống phân phối hiện đại, chợ truyền thống đăng ký tham gia, trong đó đặc biệt lần đầu tiên có 10 DN đến từ miền Bắc tham gia. So với năm ngoái, chương trình kết nối năm nay nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ lãnh đạo Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố. Ngoài hội thảo “Kết nối cung- cầu hàng hóa theo mô hình liên kết: Nhà nước- nhà nông- nhà sản xuất- nhà phân phối”, tại hội nghị còn có hơn 70 gian hàng trưng bày hàng hóa, trong đó TP.HCM có 13 gian hàng của gần 50 DN.
Đã có 229 hợp đồng ghi nhớ được 136 DN và 18 hệ thống phân phối ký kết. Hàng hóa được ký kết cung- cầu lần này chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp, là đặc sản của các vùng miền, đa phần đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bà Phạm Thị Huân- Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân- cho biết, trong ngành sản xuất trứng gia cầm có hai khâu trọng tâm là tạo nguồn hàng và hệ thống phấn phối. Ngoài hợp tác với nông dân chăn nuôi gia cầm, Ba Huân đã xây dựng được trang trại 18 ha chuyên nuôi gia cầm nên đủ nguồn hàng để kinh doanh. Về hệ thống phân phối, Ba Huân đã thiết lập được mạng lưới cung cấp cho các siêu thị, chợ truyền thống, của hàng tiện ích, bếp ăn công nghiệp, trường học. Trong hoạt động sản xuất hàng hóa nếu một mình tự làm là rất cực, khi chúng ta hùn hạp được với nhau từ khâu chăn nuôi, trồng tỉa, chế biến, phân phối thì DN sẽ mạnh hơn và sản phẩm sẽ đạt chất lượng cao hơn”- bà Phạm Thị Huân khẳng định.
Ông Châu Minh Nguyện- Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai- cho biết, Đồng Nai là nơi có lượng gia súc gia cầm lớn nhất nước với 1,2 triệu con heo, 10 triệu con gia cầm; mỗi năm sản lượng sầu riêng đạt 25.000 tấn, chôm chôm 150. 000 tấn, xoài hơn 60.000 tấn và cam quýt 61.000 tấn. Sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai chất lượng cao nhưng DN luôn vất vả trong khâu tiêu thụ hàng hóa. Theo ông Nguyện, việc kết nối với các hệ thống phân phối của TP.HCM là cơ hội để sản xuất phát triển và nâng tầm giá trị của các loại đặc sản nông nghiệp hiện nay.
Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức tiêu thụ 3.300 tấn rau củ qủa/ngày, trong đó 70% hàng nhập từ các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ. Để chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản được thông suốt và hiệu qủa, đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho rằng, nhà nước cần phân vùng chuyên canh theo từng loại trái cây phù hợp với đất, nước và sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, tổ chức nghiên cứu định ra các tiêu chuẩn cho một số loại trái cây có khả năng xuất khẩu để người trồng có kế hoạch ngay từ khâu gieo trồng để tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao và được tiêu thụ tại kênh phân phối hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Hồng- Phó Chủ tịch UBND TP.HCM- đánh giá, hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa lần này là cơ hội để DN sản xuất hàng hóa gặp gỡ nhà phân phối, trong cái bắt tay và những hợp đồng đã được ký kết, hai bên sẽ hỗ trợ nhau kinh nghiệm sản xuất, quảng bá thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tiến tới nâng giá trị của hàng Việt và tìm vị trí cho nó trên thương trường trong và ngoài nước.