Kết nối tạo đầu ra cho hàng Việt khu vực phía Nam trong bối cảnh mới
Tin hoạt động 04/12/2020 20:36
Kết nối giữa các DN Việt Nam và các nhà nhập khẩu nước ngoài
Nhấn mạnh tại Hội nghị “Kết nối giao thương tại Việt Nam giữa các nhà cung cấp nông, thủy sản với các DN xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại các tỉnh thành phía Nam năm 2020” diễn ra tại Cà Mau, chiều ngày 4/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - cho hay: Thực hiện hoạt động xúc tiến hỗ trợ xuất khẩu, trong 11 tháng/2020, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) phối hợp với các tổ chức XTTM trong nước và quốc tế, cùng với hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới tổ chức nhiều hội nghị giao thương trực tuyến. Các hoạt động kết nối giao thương trên đã và đang góp phần tháo gỡ một phần khó khăn trong sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu (mức tăng trưởng xuất khẩu 11 tháng đầu năm là 5% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt xuất siêu kỷ lục hơn 20 tỷ USD), thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu theo hướng bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị |
"Đây chính là những kết quả ban đầu khả quan sau hơn 5 tháng Bộ Công Thương phối hợp cùng các Bộ, ban, ngành và các địa phương thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai Kết luận số 77-KL/TW ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước và thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới", Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho hay, hoạt động kết nối giao thương được tổ chức bằng các hình thức đa dạng và giúp các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước đầu kết nối hiệu quả, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm chủ lực của địa phương. Từ đó tạo nền tảng quan trọng trong hoạt động xúc tiến theo phương thức mới.
Các doanh nghiệp, sở ngành phía Nam tham dự sự kiện |
Nâng chất sản phẩm trong bối cảnh mới
Theo các Sở Công Thương vùng ĐBSCL, trong giai đoạn sắp tới, cùng với việc hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng nông thủy sản trong vùng sẽ được hưởng lợi nhiều. Cụ thể như hàng nông sản sẽ hưởng lợi thế về thuế quan, hay hàng thủy sản sẽ được giảm thuế về 0% khi xuất khẩu vào EU theo cam kết của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU… Ngoài xuất khẩu, tại thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, mức tiêu thụ hàng nông thủy sản của người Việt cũng đang gia tăng. Do đó việc kết nối hàng hóa cho DN để tận dụng những cơ hội này càng trở nên cấp thiết.
Doanh nghiệp kết nối với nhà thu mua |
Liên quan đến vấn đề này, ông Fukui Tomoaki - Quản lý cấp cao bộ phận sản phẩm AEON Top Valu - chia sẻ: AEON sẽ lấy việc gia tăng tỷ lệ mua hàng Việt Nam để bán tại hệ thống AEON tại Việt Nam và khu vực làm mục tiêu, đồng thời cam kết hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống của AEON đạt 500 triệu USD vào năm 2020 và đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.
Cùng với kết nối, bà Nguyễn Duy Linh Thảo - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Kiên Giang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ các trung tâm xúc tiến vùng ĐBSCL Mekong - cho hay: Theo định hướng phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, thời gian tới hoạt động xuất khẩu sẽ xoay trục chiến lược: Thủy sản - trái cây - lúa gạo và phát triển các ngành hàng theo chương trình OCOP, du lịch, nông nghiệp, sinh thái đặc thù. Đặc biệt sẽ ưu tiên phát triển chế biến và thương mại trong chuỗi giá trị nông nghiệp, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ. Ngoài ra, vùng ĐBSCL đang có lợi thế lớn khi những mặt hàng nông sản rộng cửa và đón ưu đãi thuế khi EVFTA có hiệu lực. Những chuyển đổi này nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm.