Khai thác du lịch cộng đồng tại Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An
Khu DTSQ Tây Nghệ An.
- Từ năm 2009 UNESCO đã tiến hành thực hiện dự án Phát huy tập quán địa phương trong quản lý tài nguyên thiên nhiên tại 9 khu Dự trữ sinh quyển và Di sản thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam. Như tại Cà Mau, Cát Bà, Cần Giờ, Cù Lao Chàm-Hội An, Đồng Nai, Phong Nha- Kẻ Bang, Kiên Giang, Tây Nghệ An và Xuân Thủy. Từ những nghiên cứu này, những khuyến nghị ban đầu về các can thiệp chính đã được lựa chọn và thí điểm áp dụng, trong đó có Khu DTSQ Tây Nghệ An.
Tại Hội thảo "Phát huy tập quán địa phương tại các khu Dự trữ sinh quyển và Di sản thiên nhiên thế giới Việt Nam" do Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức mới đây, nhóm nghiên cứu của UNESCO cho biết, trong 9 khu DTSQ, Khu DTSQ Tây Nghệ An với gần 2/3 tổng dân số sinh sống trong khu DTSQ và những nét văn hóa đặc sắc, cộng đồng người Thái đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng. Việc đưa bản sắc văn hóa vào phát triển du lịch sẽ góp phần vào việc cải thiện mức sống mức sống của người dân thông qua các hoạt động dịch vụ và bảo tồn.
Đặc biệt, việc phát triển du lịch lồng ghép các nội dung du lịch văn hóa, có sự tham gia tích cực của cộng đồng tộc người bản địa là một trong những thế mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng. Hoạt động du lịch với các mục tiêu nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đem lại những lợi ích an sinh thực sự cho địa phương sinh sống trong khu DTSQ.
Mặt khác, phát triển du lịch cộng đồng dựa trên những lợi thế sẵn có ngoài việc biến loại hình này thành điểm nhấn cho du lịch tại Khu DTSQ Tây Nghệ An, đó cũng là cơ hội lớn để giao lưu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái ở Nghệ An. Đồng thời đây cũng là những giải pháp nhằm xóa đói giảm nghèo bằng việc thực hiện các hoạt động du lịch, dịch vụ trên những giá trị di sản, bản sắc văn hóa nơi cộng đồng mình sinh sống.
Hiện, Công ty du lịch Khám phá đã thiết lập tour du lịch cộng đồng tại Môn Sơn và Lục Dạ, huyện Côn Cuông. Người dân đã tham gia vào loại hình du lịch này thông qua các dịch vụ cho khách hàng ngủ tại nhà, hướng dẫn viên trong cộng đồng, quảng bá và bán các sản phẩm mây tre đan, thổ cẩm, các món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Bên cạnh những hoạt động khai thác du lịch được thành lập như ở Pù Mát, thì các hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng tại đây còn gắn với lễ hội của người Thái diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, so với lợi thế và tiềm năng mà Khu DTSQ Tây Nghệ An có thì hiện nay hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng tại Khu DTSQ Tây Nghệ An còn chưa phát triển.
Trước thực trạng đó, qua quá trình nghiên cứu, nhóm nhà nghiên cứu UNESCO đánh giá, tiềm năng và phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại Khu DTSQ Tây Nghệ An là rất lớn, thể hiện ở sự đa dạng về những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái Tây Nghệ An còn được lưu giữ, như kiến trúc nhà sàn, các làng văn hóa Thái cổ, sinh hoạt cộng đồng như múa lam vông, hát dân ca, dệt thổ cẩm…
Nhưng hạn chế hiện nay của khu DTSQ này là các hoạt động du lịch tại cộng đồng và sản phẩm du lịch còn rất hạn chế. Mẫu mã kém phong phú, thời gian sản xuất dài do làm thủ công và tự phát nên không có tính cạnh tranh. Giá thành sản phẩm so với nhân công lao động còn quá thấp. Bên cạnh đó, mặc dù chính sách của tỉnh đã quan tâm tới vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, phát triển du lịch và làng nghề nhưng sự quan tâm chỉ mới dừng lại ở việc ban hành chính sách, thiếu sự quan tâm đầu tư và xúc tiến đầu tư tuyến, điểm du lịch, làng nghề truyền thống.
Do đó, để phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái và phát triển du lịch cộng đồng, nhằm bảo đảm đời sống và tăng cường bảo tồn tại Khu DTSQ Tây Nghệ An, nhóm nghiên cứu của UNESCO đề xuất, nên lập quy hoạt tổng thể về phát triển du lịch, thiết lập tour du lịch dựa vào cộng đồng, như lựa chọn vào khu điển hình, nổi bật về bản sắc văn hóa của đồng bào Thái để thiết lập tour du lịch làm điểm nhấn. Cụ thể là Bản Vi- Bắc Sơn-Quỳ Hợp; Bản Nưa-Yên Khê; Bản Yên Thành-Lục Dạ- Con Cuông…
Ngoài ra, nên tăng cường tuyên truyền quảng bá về những nét văn hóa đặc của đồng bào Thái trên các phương tiện truyền thông, thu hút khách du lịch cũng như nhà đầu tư; khôi phục các nghề truyền thống, tăng cường năng lực mở lớp đào tạo cho người dân địa phương để có kiến thức, kỹ năng cơ bản về hướng dẫn viên và khai thác các dịch vụ du lịch…
Hoa Quỳnh