Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú chủ trì hội thảo
CôngThương - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, ông Reach Ra- Phó Quốc vụ khanh Bộ Thương mại Campuchia, ông Munny Chanthavông- Bí thư thứ 3, Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam, ông Huỳnh Văn Quang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đồng chủ trì hội thảo
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Thương mại Campuchia, Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, đại diện các bộ, ngành, UBND các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, Sở Công Thương các tỉnh phía Nam, các hiệp hội ngành hàng, tham tán thương mại Việt Nam tại Lào và Campuchia và gần 400 doanh nghiệp (DN) Việt Nam - Campuchia - Lào.
Thực tế và giải pháp khả thi
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: Trong những năm qua, thương mại giữa 3 nước có nhiều chuyển biến tích cực, thị trường được mở rộng, thu hút nhiều DN tham gia, kim ngạch trao đổi hàng hóa gia tăng với tốc độ cao; các cơ chế, chính sách cũng như thủ tục hành chính được mỗi nước quan tâm, tạo thuận lợi cho trao đổi hàng hóa; cơ sở hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng thương mại được đầu tư, nâng cấp... Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển thương mại biên giới, sự phối hợp khai thác tuyến đường vận chuyển từ Tây Ninh qua các tỉnh Kampong Cham, Kratie, Stung Treng đến Champasak nói riêng và các tuyến đường kết nối khác giữa 3 nước là vô cùng quan trọng.
Theo ông Huỳnh Văn Quang- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, tuyến đường nối từ Tây Ninh qua cửa khẩu quốc tế Xa Mát theo đường số 7 qua các tỉnh Kampong Cham, Kratie, Stung Treng (của Campuchia) đến tỉnh Champasak (Lào) khoảng 350 km, ngắn hơn rất nhiều so với các tuyến đường khác, nhưng hạ tầng giao thông đoạn từ tỉnh Kratie đến Stung Treng (Campuchia) khoảng 100km đang xuống cấp trầm trọng, gây trở ngại trong việc vận chuyển hàng hóa; cơ chế giao thương hàng hóa chưa có Hiệp định quá cảnh qua lại nên hàng hóa từ tỉnh Champasak (Lào) phải qua cửa khẩu Bờ Y, Lao Bảo (Quảng Trị) mới vào được Việt Nam thì rất xa, trong khi đó lại không qua được cửa khẩu Hoa Lư, Xa Mát. Vì vậy, việc đẩy mạnh hợp tác, phát triển thương mại xuất nhập khẩu và thực hiện quá cảnh hàng hóa qua Campuchia- Lào để xuất nhập khẩu sang Thái Lan, Myanmar là cần thiết.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Lào và Campuchia giai đoạn từ năm 2008 đến hết tháng 11/2013 xấp xỉ 19 tỷ USD. Tiềm năng phát triển thương mại giữa ba nước rất lớn, hoàn toàn có thể đưa kim ngạch xuất khẩu Việt Nam- Lào lên 2 tỷ USD và Việt Nam- Campuchia lên 5 tỷ USD vào năm 2015. |
Thực tế công tác trên 20 năm ở Lào, theo ông Trần Bảo Giám- Tham tán thương mại Việt Nam tại Lào- để khai thông có hiệu quả tuyến biên mậu cần giải quyết 3 vấn đề lớn: Cơ chế, chính sách, những thỏa thuận chung giữa các nước tạo điểu kiện thuận lợi cho hàng hóa, người... qua lại như chính sách thuế, bến bãi, vận chuyển hàng hóa, khách du lịch...; đầu tư, nâng cấp các tuyến đường biên giới, nhất là vào mùa mưa và thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa cần thuận lợi, thông thoáng.
Theo PGS.TS. Hoàng Thọ Xuân - chuyên gia Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), việc xây dựng và phát triển con đường giao thương Việt Nam - Campuchia - Lào qua cửa ngõ Tây Ninh là rất quan trọng, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả 3 nước, bởi tuyến đường này có rất nhiều tiềm năng. DN có thể đưa hàng hóa của Việt Nam từ TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ qua cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) đến Camphon Cham, Kratie, Stung Treng (Campuchia) và Champasak (Lào), đồng thời nhập khẩu nguyên liệu nông sản, cà phê, cao su... về chế biến, xuất khẩu. Ông Xuân đề nghị để khai thác có hiệu quả tuyến đường này cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đặc biệt xây dựng những chợ đầu mối nông sản hàng hóa ở Kratie và Stung Treng...
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú và Tổng biên tập Báo Công Thương Nguyễn Hữu Quý trao đổi với đại biểu bên lề hội thảo
Trăn trở của ngành Công Thương Tây Ninh
Đối với việc hợp tác thương mại biên giới giữa Tây Ninh với các tỉnh biên giới Campuchia, theo ông Lê Thành Công- Phó giám đốc Sở Công Thương Tây Ninh- trong năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 1.228 triệu USD, tăng 12,9%; xuất khẩu đạt 600 triệu USD; tổng sản lượng điện bán sang Campuchia từ năm 2008 đến 2013 đạt 741.730.600 Kwh. Thống kê của Sở Công thương Tây Ninh cho thấy, hàng hóa xuất khẩu chính ngạch sang Campuchia phần lớn của DN tại TP.HCM và các tỉnh lân cận (Bình Dương, Đồng Nai), DN trên địa bàn Tây Ninh chỉ chiếm từ 10- 15% lượng hàng xuất khẩu, chủ yếu là cao su, plastic, thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu dệt, mỡ và dầu động vật, thực vật, mì ăn liền, sản phẩm nhựa, bột giặt, pin, dầu ăn, mỹ phẩm... Nhu cầu hàng Việt tại Campuchia và Lào rất lớn, nhưng hầu hết hàng Việt tại đây không có nhãn phụ tiếng Campuchia hoặc Lào, gây khó khăn trong việc buôn bán. Các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này.
Tây Ninh cần đầu tư phát triển giao thông vận tải, logistic, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, điểm dừng chân, công nghiệp chế biến... để thu hút nguồn nguyên liệu từ Campuchia và Lào. Đầu tư hạ tầng, cải cách hành chính (thủ tục hành chính còn phiền hà, nới rộng thời gian mở- đóng cửa khẩu, vì hiện nay mỗi cửa khẩu đóng- mở 1 giờ khác nhau) và thực hiện thỏa thuận về vận tải giữa 3 nước đã ký kết từ đầu năm 2013 để hàng hóa, phương tiện vận tải có thể lưu thông thuận lợi.
Doanh nghiệp kiến nghị
Ông Trần Thành Trọng, đại diện DN đến từ Bình Dương nêu thực trạng: Ngoài khó khăn trong vận chuyển hàng hóa qua biên giới, việc thanh toán cũng là nỗi khổ của DN. Theo quy định của Bộ Tài chính, DN xuất khẩu hàng hóa phải thanh toán qua ngân hàng, nhưng rất khó khăn. Ông Trọng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần linh động giải quyết cho phù hợp thực tế.
Ông Ocha Chonthari- Chủ tịch một DN ở Campuchia- đề nghị nâng cấp cửa khẩu Chàng Riệc - Đa, cải tiến thủ tục cho hàng hóa, người và xe cộ qua lại vì cửa khẩu này rất quan trọng với hàng nông sản Campuchia vào Việt Nam.
Bà Trịnh Ngọc Lan- Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Hoa Lan, tỉnh Tây Ninh- chia sẻ, thủ tục xuất nhập còn nhiều khó khăn trong khi DN rất cần đẩy nhanh tiến độ thủ tục để tiết kiệm thời gian, chi phí thâm nhập thị trường...
Kết nối giao thông, thủ tục hành chính
Tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh, việc khai thác đối đa tiềm năng, thế mạnh thương mại biên giới góp phần quan trọng phát triển kinh tế của 3 nước trong thời gian tới. Bên cạnh việc kết nối hạ tầng giao thông, phát huy hết hiệu quả, 3 nước cần tiếp tục kết nối với nhau về thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông. Bên cạnh đó, cần phát triển dịch vụ trên hành lang giao thông để biến hành lang giao thông trở thành hành lang kinh tế. Trong việc khai thác các tuyến giao thông, Tây Ninh có vị trí quan trọng, đây là con đường ngắn nhất để kết nối TP.HCM với các tỉnh của Campuchia và miền nam Lào. Thông qua hội thảo này, Bộ Công Thương kêu gọi các cơ quan quản lý của 3 nước, các hiệp hội DN cần khai thác nhiều hơn nữa lợi thế để phát triển thương mại và đầu tư. Các DN cũng nên nhận thức sâu sắc hơn lợi thế của việc khai thác thương mại biên giới để có chiến lược phát triển lâu dài.
Bộ Công Thương ghi nhận các ý kiến góp ý trong hội thảo để làm tốt hơn nữa chức năng, vai trò của mình và sẽ sớm chuyển các ý kiến này đến các bộ, ngành liên quan để cùng phối hợp hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển thương mại biên giới giữa 3 nước.