Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, bao gồm 11 nền kinh tế. Thị trường này chiếm 15% thương mại thế giới,13,5% GDP toàn cầu. Ước tính, CPTPP thúc đẩy thương mại mạnh mẽ giữa các nước thành viên, đưa kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 6% đến năm 2030, đặc biệt với Việt Nam tăng khoảng 8% và thúc đẩy dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP đạt 74,478 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng kim ngạch XNK cả nước. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên trong Hiệp định đạt 36,809 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 37,669 tỷ USD. Đáng nói, Việt Nam xuất siêu sang 5 thị trường gồm: Canada, Chile, Mexico, Australia và Peru, đồng thời nhập siêu từ 5 thành viên còn lại gồm: Brunei, Malaysia, New Zealand, Nhật Bản và Singapore. Riêng Canada là thị trường Việt Nam đạt con số xuất siêu lớn nhất, với 2,155 tỷ USD.
Nắm vững quy tắc xuất xứ hàng hóa, doanh nghiệp tận dụng được cơ hội từ CPTPP |
Với một thị trường xuất khẩu lớn và có nhiều tiềm năng như vậy, việc cập nhật và thực thi hiệu quả các quy định về xuất xứ hàng hóa là vô cùng cần thiết, giúp các DN thuận lợi trong quá trình xuất khẩu cũng như tiếp cận các thị trường "khó tính" hiện nay.
Trước vấn đề này, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - khẳng định, để hàng hóa được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, bắt buộc hàng hóa đó phải đáp ứng quy tắc xuất xứ. So với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP có nhiều điểm mới như quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; quy tắc xuất xứ hàng tân trang, hàng tái chế tạo; công thức tính RVC (hàm lượng giá trị khu vực FTA); cơ chế chứng nhận xuất xứ; cơ chế kiểm tra xác minh xuất xứ. Ngoài ra, quy tắc xuất xứ cũng có nhiều điểm khác đối với từng mặt hàng cụ thể.
Theo bà Trịnh Thị Thu Hiền, có hai vấn đề DN cần lưu ý khi triển khai thực hiện những nội dung liên quan đến xuất xứ hàng hóa trong CPTPP. Trước hết, DN cần nắm rõ những quy định về xuất xứ hàng hóa, bởi vì mỗi một hiệp định khác nhau thì quy định xuất xứ hàng hóa lại khác nhau. Bên cạnh đó, DN cần quan tâm đến vấn đề lưu trữ hồ sơ, chứng từ xuất xứ. Bởi vì, không phải khi chứng từ của chúng ta được chuyển sang nước nhập khẩu và được hưởng ưu đãi là xong.
"Trong quá trình kiểm tra sau thông quan sau này, hải quan các nước nhập khẩu có thể xem lại hồ sơ và đề nghị xác minh xuất xứ. Nếu như chúng ta không chứng minh được trong quá trình hậu kiểm sau này, thì nước nhập khẩu sẽ không cho hưởng thuế quan ưu đãi theo Hiệp định" - bà Trịnh Thị Thu Hiền nói.
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 22/1/2019 quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 8/3/2019. Đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu trước ngày Thông tư có hiệu lực, cơ quan, tổ chức xem xét cấp C/O mẫu CPTPP để được hưởng ưu đãi thuế quan theo quy định của Hiệp định và theo quy định của nước thành viên nhập khẩu. |