CôngThương - Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong 5 tháng đầu năm ước tính đạt trên 2,5 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của khách quốc tế là từ phía DN lữ hành. Được biết, đầu tháng 6 Công ty Vietravel đón 3 đoàn charter với gần 700 khách từ Nhật Bản đến Việt Nam. Đây là đoàn khách Nhật Bản đông nhất đến Việt Nam từ sau thiên tai động đất và sóng thần vào tháng 3 vừa qua. Với thế mạnh về du lịch tàu biển, từ đầu năm đến nay, Saigontourist phục vụ hơn 29.000 khách tàu biển (chủ yếu mang quốc tịch Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Úc, Nhật...) đến từ các tàu biển quốc tế lớn như Costa Classica, Costa Romantica, SuperStar Virgo, Princess Daphne, Amadea, Pacific Venus... Bằng sự chuyên nghiệp trong tổ chức MICE, trong tháng 6 này, Saigontourist tiếp tục là “địa chỉ” của nhiều đoàn khách quốc tế: Đoàn 170 khách đa quốc tịch của Công ty Khai thác dầu Premier Oil, đoàn 43 khách đa quốc tịch thuộc Công ty Bảo hiểm QBE Insurance.
Mặc dù các hoạt động đón khách quốc tế tại các DN lữ hành sôi động, khẳng định sự phát triển tích cực của thị trường này, nhưng khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, cũng như những hạn chế của du lịch Việt Nam đã khiến không ít DN lữ hành lo ngại về chỉ tiêu đón khoảng 5,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2011của ngành du lịch. Ông Lê Quang Đạo - Phó giám đốc Công ty Du lịch Tầm nhìn Việt - đánh giá: Khủng hoảng kinh tế thế giới, lượng người thất nghiệp tăng cao, giá cả biến động… là nguyên nhân chính khiến cho số lượng khách quốc tế giảm. Các thị trường khách quốc tế như: Mỹ, châu Âu, Nhật là 3 thị trường giảm rõ nhất trong năm 2010. Trong thời kỳ khủng hoảng thì tất cả những chi tiêu mang tính hưởng thụ sẽ được cắt giảm và du lịch là một trong những sản phẩm đó. Tuy nhiên, một số thị trường vẫn tăng trưởng tốt nhờ kinh tế ít biến động, như các nước thuộc Đông Nam Á. Thị trường này còn được khuyến khích bởi các rào cản về thủ tục như visa đơn giản, các tuyến bay nhiều và thuận tiện đến Việt Nam. Thông thường, một doanh nghiệp nếu khai thác tốt một thị trường đã là một thành công lớn. Mỗi thị trường đòi hỏi người làm lữ hành có phong cách riêng, không những hiểu rõ về thị trường đó mà còn hiểu cả văn hóa của họ nữa. Hiện tại Du lịch Tầm Nhìn Việt đang cố gắng đi theo thế mạnh của mình, với việc tập trung khai thác thị trường chính là các nước nói tiếng Anh như: Anh, Úc, Neazeland, Mỹ, Singapore, Malaysia, các nước châu Âu và toàn bộ thị trường nói tiếng Nga. Hiện thị trường nói tiếng Nhật là một trong những thị trường mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều doanh nghiệp của Viêt Nam. Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi người làm lữ hành phải rất cẩn thận, chu đáo, sạch sẽ và tính chuyên nghiệp cao.
Bên cạnh sự nỗ lực của mỗi DN, cùng với những giá trị nổi bật có sức hút lớn của Việt Nam như lịch sử, văn hóa, phong cảnh chưa bị thế giới văn minh phá vỡ, chưa bị du lịch hóa... hiện các DN lữ hành rất trăn trở trước những rào cản ảnh hưởng lớn đến hoạt động thu hút khách quốc tế như: giao thông chưa thuận tiện; hình ảnh của Việt Nam chưa gợi cho số đông người trên thế giới mong muốn tới thăm; dịch vụ các khu, vùng du lịch chưa đạt đến trình độ văn minh so với các nước trong khu vực… Chị Kim Dung (Công ty TNHH Kênh du lịch Việt) phân trần, dịch vụ du lịch còn yếu kém, nhiều khách sạn không đáp ứng nhu cầu của khách hàng về cung cấp phòng, nhất là vào tháng 1, 12, lượng quốc tế, đặt biệt khách Nga đến Việt Nam đông, như: Mũi Né, Phú Quốc… Với nhà tổ chức tour, việc kiếm khách hàng đã khó, việc đặt phòng cho khách còn khó hơn, nhiều khi có khách mà không có phòng. Hà Nội có khá nhiều khách sạn, nhưng để có khách sạn 4 sao có bể bơi thì không khách sạn nào đạt yêu cầu. Duy nhất chỉ có khách sạn Army hotel có bể bơi, nhưng đây thực chất là guest house chứ chưa đủ tiêu chuẩn 3 sao để đưa vào cho khách sử dụng. Hơn nữa, giá vé máy bay của Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực... Đó là những rào cản rất lớn cho hoạt động du lịch.