Các em nhỏ thích thú làm quen với công việc trồng lúa trong tour du lịch Ba Vì
CôngThương - Ba Vì đã được thiên nhiên ưu đãi địa hình cảnh quan, đất đai nông nghiệp rất đa dạng. Đặc biệt, vùng phụ cận nông nghiệp rộng lớn xung quanh chân núi Ba Vì hàng nghìn năm nay luôn được chọn là vùng bảo tồn, thuần hóa và phát triển đa dạng giống gốc để phân phối giống cho toàn quốc như: Dê, cừu, thỏ, măng, dứa suối Hai, gà Lơgo, đà điểu, các loài cây lâm nghiệp.
Theo TS.Ngô Kiều Oanh (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) - người đã nhiều năm gắn bó và rất tâm huyết với vùng đất Ba Vì: Lớp phủ sinh thái tự nhiên và truyền thống nông nghiệp hàng nghìn năm của nơi đây thực sự là tài sản vô giá; là nguồn tài nguyên vô tận để tạo ra các sản phẩm hấp dẫn cho du khách, nếu biết tổ chức và khai thác.
Xây dựng Trang trại Đồng quê, mở các tour du lịch nông nghiệp, du lịch học đường từ năm 2008, đến nay, mỗi năm Trang trại Đồng quê của TS.Oanh đón rất nhiều lượt khách tham quan.
Với tour du lịch nông nghiệp, hầu hết du khách đều rất hứng thú khi được tham quan những nương chè xanh mát; thưgiãn với thảo dược của người Dao; tận hưởng hương thơm tinh khiết từ đầm sen; thưởng thức và mua về làm quà những sản vật địa phương độc đáo. Với đối tượng trẻ thì tour “Một ngày làm nông dân” thực sự là những trải nghiệm khó quên…
Tuy nhiên, theo TS.Oanh, đây chỉ là những bước khởi đầu rất nhỏ bé. Để du lịch nông nghiệp vùng phụ cận quanh chân núi Ba Vì phát triển, để người dân không phải ly hương, để các nguồn gen quý của Ba Vì được bảo tồn và phát triển…, cần thiết phải xây dựng một cách đồng bộ và hệ thống cơ chế bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt. Trong đó, chú trọng bảo vệ nguồn gen tự nhiên gốc vùng rừng núi Ba Vì; xây dựng vùng giữ giống gốc về chăn nuôi, trồng trọt để cung cấp thực phẩm tập trung mang tính hàng hóa xanh - sạch cho dân cư nội thành, song hành với phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp dựa vào những làng nông nghiệp truyền thống có sẵn.
“Bên cạnh sự vào cuộc của nhà quản lý, doanh nghiệp, người nông dân và truyền thông, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ. Có nhưvậy, việc đẩy mạnh phát triển vùng cung cấp các sản vật tựnhiên và du lịch nông nghiệp tại vùng đất nông nghiệp xung quanh núi Ba Vì mới thực sự là giải pháp hiệu quả để bảo vệ tài nguyên sinh thái của Vườn Quốc gia Ba Vì một cách bền vững và lâu dài” - TS.Kiều Oanh khẳng định.