Điêu đứng vì bí đỏ ‘được mùa, mất giá’
Dù giữa mùa thu hoạch bí đỏ, nhưng gia đình anh Đoàn Văn Chi (ngụ xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) vẫn lo lắng vì không có thương lái hỏi mua, giá bí đỏ giảm mạnh. Năm nay, gia đình anh đầu tư 100 triệu đồng trồng 6ha bí đỏ từ đầu tháng 7, dự kiến thu hoạch vào khoảng tháng 10, nhưng giờ đã qua tháng 11 vẫn chưa bán được.
“Sản lượng bí đỏ của gia đình tôi năm nay ước khoảng 80 tấn, nhưng giữa mùa thu hoạch giá chỉ bằng 1/3 năm trước. Thương lái hỏi mua trả giá thấp, còn bí đỏ để ngoài đồng thì hư hại hết”, anh Chi vừa nói, vừa chỉ tay vào những quả bí già, nứt thối mà xót xa.
Nhiều ruộng bí đỏ thương lái không đến mua khiến nông dân không thể cắt, bỏ lăn lóc ngoài đồng. |
Dọc theo tuyến đường chính dẫn vào xã Ninh Sơn, nông dân trải bạt hai bên đường, đổ bí đỏ thành đống để bán dần, ai cũng than thở vì sản lượng bí đỏ ở địa phương cho năng suất cao nhưng giá cả thấp, ít người thu mua.
Theo xe ô tô tải chở bí đỏ từ rẫy về, ông Hoàng Công Nhật (ngụ xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) vừa xếp những trái bí đỏ, vừa giải thích, người dân xã Ninh Sơn trồng hai loại bí đỏ, loại bí bánh xe đang được bán với giá 2.800 – 3.000 đồng/kg, còn bí hạt đậu thì chưa đầy 2.000 đồng/kg. Năm ngoái, bí đỏ được bán với giá từ 7.000 – 10.000 đồng/kg.
Bí đỏ đổ đống hai bên tuyến đường chính dẫn vào xã Ninh Sơn. |
"Thương lái nói các tỉnh phía Nam người ta cũng trồng bí đỏ nên không ra mua. Nhiều thương lái còn lấy cớ bí già, xấu, phân ra loại 1 và loại 2, 3 ép giá bà con. Thôi thì mình cứ chất đống, rồi chở ra chợ bán dạo, cũng coi như gỡ gạc lại ít vốn”, ông Nhật chia sẻ.
Bí đỏ bị hư do thu hoạch muộn, bị phân ra thành bí loại 3, người dân thường mua về cho bò, heo ăn. |
Ông Nhật nói thêm, những năm trước, bí hái tới đâu có người mua tới đó, bà con không cần phải lo nghĩ. Nhưng giờ nông dân tự chở bằng xe máy đi bán dạo ở chợ, mỗi ngày bán được vài trăm cân bí đỏ, coi như lỗ nặng.
Cấp tốc tìm đầu ra
Theo ông Mai Xuân Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, năm nay, trên địa bàn xã diện tích trồng bí đỏ tăng đột biến so với năm trước, ước tính từ 250ha lên hơn 450ha. Nguyên nhân do keo trồng trên rừng đã khai thác, đang trồng lại, nên người dân tận dụng đất trống để trồng xen bí đỏ. Cùng với đó do năm trước, bí đỏ cho năng suất cao, lợi nhuận nhiều nên người dân trên địa bàn xã "đua" trồng.
Lãnh đạo xã Ninh Sơn ước tính còn khoảng 6.000 tấn bí đỏ của nông dân chưa được thu hoạch. |
Ông Bình thông tin, bí đỏ của xã chủ yếu cung cấp cho các tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai. Tuy nhiên, năm nay các tỉnh phía Nam cũng vào vụ thu hoạch bí đỏ nên thương lái không đến mua khiến bí đỏ của nông dân bị ùn ứ. Ước tính, sản lượng bí đỏ còn nằm trên rẫy của người dân lên tới 6.000 tấn.
Với 10 tấn bí đỏ, nông dân thu về khoảng 18 triệu đồng, nhưng sau khi trừ các chi phí thì 'trắng tay'. |
“Chính quyền xã đã phối hợp với Hội Nông dân xã đăng tải sản phẩm bí đỏ lên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, liên hệ với một số nhà ăn của các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa để tiêu thụ, nhưng số lượng chưa cao. Vừa qua, UBND xã Ninh Sơn đã gửi văn bản tới Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa và Hội Nông dân thị xã đề nghị hỗ trợ tiêu thụ bí đỏ cho bà con”, ông Bình chia sẻ.
Người dân xã Ninh Sơn dùng xe máy chở bí đỏ ra chợ để bán dạo. |
Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn cho biết thêm, chính quyền xã thường xuyên định hướng để bà con sản xuất nông nghiệp có kế hoạch, sử dụng đất đúng mục đích, tìm kiếm thị trường đầu ra trước khi quyết định tăng diện tích để hạn chế thiệt hại, tránh tình trạng thấy cây trồng nào có giá thì đổ xô trồng dẫn đến nguồn cung vượt cầu.
Liên quan vấn đề bí đỏ của nông dân ùn ứ, khó tiêu thụ, trao đổi với Vuasanca , ông Huỳnh Tấn Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Khánh Hòa – cho biết, Sở đã liên hệ với Lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, nắm số lượng sản phẩm cần tiêu thụ và giá cả, để kịp thời có văn bản, liên hệ với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại của các tỉnh bạn hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm bí đỏ đến các chợ, siêu thị, doanh nghiệp có nhu cầu mua tiêu thụ bí đỏ cho bà con.