Khánh Hoà: Đầu tư đường giao thông Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong Bộ Chính trị giao ông Nguyễn Khắc Toàn điều hành Tỉnh uỷ Khánh Hoà |
Ngày 16/9, UBND tỉnh Khánh Hoà đã ra văn bản số 10283/UBND-KT về việc: “Đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công các tháng cuối năm 2024”. Theo đó, trong văn bản gửi các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan, UBND tỉnh Khánh Hoà yêu cầu nhiều nội dung quan trọng.
Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, ngành và địa phương, thực hiện điều hành, tổ chức thực hiện chủ động, linh hoạt, kịp thời, xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Đề cao tính kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra giám sát; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn...
Các chủ đầu tư giải ngân năm 2024 không đạt từ 95% trở lên chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc không hoàn thành giải ngân kế hoạch năm 2024 theo Quyết định số 923/QĐ-UBND ngày 05/4/2022 của UBND tỉnh về ban hành bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm 2024 với tinh thần “5 quyết tâm” và “5 bảo đảm” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh Khánh Hoà xác định xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu |
Trong văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà ông Nguyễn Tấn Tuân ký chỉ rõ, đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án thực hiện trên địa bàn mình quản lý, chủ động và kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh hướng xử lý, giải quyết; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ tiến độ thi công các dự án do chậm thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn phụ trách.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các huyện, thị xã, thành phố liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, kịp thời tham mưu UBND tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh để các địa phương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng đúng tiến độ đề ra.
Các chủ đầu tư dự án có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị ở các huyện, thị xã, thành phố để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; cử cán bộ làm đầu mối thường xuyên liên hệ, kịp thời cung cấp hồ sơ và các tài liệu có liên quan để phối hợp với các địa phương thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng ban hành văn bản và chờ kết quả xử lý bằng văn bản. Đồng thời có trách nhiệm chỉ đạo các nhà thầu thi công tập trung thực hiện ngay dự án tại các vị trí đã có mặt bằng sạch được địa phương bàn giao.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư (lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán,...), đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh khối lượng thi công, thanh toán khối lượng hoàn thành theo tháng, đảm bảo giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước, hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 được giao. Thực hiện tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư đúng quy định; lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng xây dựng, không để dồn vào thời điểm cuối năm.
Đối với nguồn trích bổ sung 10% Quỹ phát triển đất tỉnh: Đề nghị Sở Tài chính khẩn trương tham mưu UBND tỉnh thành lập Quỹ phát triển đất theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 9510/UBND-TH ngày 26/8/2024, để kịp thời bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ phát triển đất tỉnh từ nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh quản lý năm 2024 là 127,5 tỷ đồng, góp phần giải ngân 100% nguồn vốn này.
Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường định kỳ vào ngày 30 hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, kết quả xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo chung về tình hình thực hiện, giải ngân kể hoạch đầu tư công hàng tháng của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên, quyết tâm hoàn thành công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 được giao.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản phê bình 16 đơn vị chủ đầu tư có kết quả giải ngân vốn đầu tư công quá thấp. Trong đó, có 6 đơn vị tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm chỉ đạt chưa tới 10%, gồm: Trường cao đẳng Công nghệ Nha Trang (0,6%), Sở Thông tin và Truyền thông (0,9%), Trường đại học Khánh Hòa (1,1%), Sở Du lịch (3,3%), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh (9,4%) và Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong (9,8%).
10 đơn vị bị phê bình còn lại gồm: Sở Giao thông vận tải (14,5%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (15,4%), UBND huyện Trường Sa (15,8%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (16,1%), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (16,5%), Công an tỉnh (17,8%), Sở Xây dựng (20,8%), Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (24,3%), UBND TP Cam Ranh (25,5%) và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Trầm Hương (26,5%).