Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tuy phục hồi sau đại dịch Covid-19 nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy đã tác động đến công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn trong năm 2023.
Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc quản lý và điều hành BHXH tỉnh Khánh Hòa - đã có cuộc trao đổi kết quả thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của Khánh Hòa với phóng viên Vuasanca .
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn hiện nay của kinh tế, xã hội, xin ông cho biết kết quả thực hiện một số nhiệm vụ về chính sách BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của BHXH tỉnh Khánh Hòa trong năm 2023?
Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc quản lý và điều hành BHXH tỉnh Khánh Hòa |
Đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc toàn tỉnh là 146.427 người, đạt 97,08% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Tỷ lệ bao phủ BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi là 25,61% (lực lượng lao động trong độ tuổi là 571.663 người).
Số người tham gia BHXH tự nguyện là 14.707 người, đạt 68,46% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Tỷ lệ bao phủ BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi là 2,57%.
Số người tham gia BHTN là 138.281 người, đạt 97,02% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Tỷ lệ bao phủ BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi là 24,19%.
Số người tham gia BHYT là 1.183.802 người, đạt 99,99% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Chỉ tiêu BHYT toàn dân đạt 93,74% (dân số năm là 1.262.807 người).
Trong 10 tháng đầu năm, công tác giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng số lượt KCB ngoại trú đạt 2.031.502 lượt, tăng 19,9 % so với cùng kỳ năm trước. Tổng số lượt điều trị nội trú là 174.927 lượt; tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế chi phí KCB BHYT là hơn 997 tỷ đồng; tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ chi KCB BHYT chiếm 81,7% dự toán được giao của năm 2023 (dự toán chi KCB BHYT được Chính phủ giao hơn 1.221 tỷ đồng).
Bên cạnh giải pháp nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị tự khắc phục nợ, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và lực lượng công an thực hiện các đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành nhằm thu hồi nợ.
Đến tháng 10, BHXH tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, thanh tra liên ngành, kiểm tra liên ngành theo kế hoạch 306 đơn vị. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra (TTKT) và sau TTKT, thanh tra liên ngành các đơn vị đã khắc phục số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) theo Kết luận TTKT là hơn 1 tỷ đồng.
Về công tác truyền thông, BHXH tỉnh Khánh Hòa cũng thường xuyên duy trì và cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin trên trang thông tin điện tử BHXH tỉnh Khánh Hòa trên về chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Tổ chức 366 hội nghị phổ biến chính sách BHXH, BHYT thu hút hơn 11 nghìn người tham gia.
Bên cạnh đó, các nhóm truyền thông chính sách đến nhóm đối tượng các nhà thuốc tư nhân, hộ kinh doanh cá thể và các nhóm trẻ gia đình đã triển khai 136 cuộc gặp trực tiếp từng người hoặc theo nhóm nhỏ với 534 người được truyền thông.
Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội theo mô hình nhóm nhỏ tại một trường học ở TP. Nha Trang. Ảnh: Văn Điệp |
Bên cạnh những kết quả tích cực, ông có thể chia sẻ thêm về các khó khăn đối với ngành BHXH tỉnh Khánh Hòa trong việc hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của BHXH Việt Nam giao?
Hiện nhiều doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, hiệu quả sản xuất kinh doanh thiếu ổn định nên ảnh hưởng đến việc tham gia và đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Cùng với đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phải giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động vì thế công tác thực hiện chế độ BHXH, BHYT cho người lao động hết sức khó khăn. Đời sống của người dân cũng gặp khó nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT.
Ngoài ra, các quy định của pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT chưa đầy đủ và có hiệu lực thực thi cao, bắt buộc mọi đối tượng có đủ điều kiện tham gia theo luật định phải thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ và quyền lợi của họ.
Việc thay đổi mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 1/1/2022 trên cơ sở điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn giai đoạn 2022 - 2025 theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ về việc quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 (từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng), vì thế số người đã tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2021 về trước đã giảm nhiều từ năm 2022, tiếp tục giảm sâu trong năm 2023.
Ngoài ra, địa phương chưa có chính sách hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện.
Đến nay, BHXH tỉnh Khánh Hòa đã đạt được kết quả nổi bật nào trong thực hiện các chỉ tiêu của Đề án 06 của Chính phủ, thưa ông?
Tính đến ngày 20/11/2023, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 1.141.591 người đang tham gia BHXH, BHYT, BHTN được xác thực cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư chiếm trên 97% tổng số người tham gia BHXH, BHYT.
Toàn tỉnh đã có 181/181 cơ sở KCB triển khai KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip đạt 100% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn thành phố.
BHXH tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thực hiện hỗ trợ liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe theo đó trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có 25/25 cơ sở KCB triển khai thực hiện.
Về tình hình triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, BHXH tỉnh Khánh Hòa cũng đã kết nối với Cổng DVC quốc gia các dịch vụ công trực tuyến và đã phát sinh hồ sơ trực tuyến như: Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng; Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng DVC Quốc gia; Phối hợp triển khai Sổ Sức khỏe điện tử; Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT trên Cổng DVC; Đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trên Cổng DVC;...
Trên cơ sở kết quả 9 tháng, BHXH tỉnh Khánh Hòa sẽ tập trung vào nhóm giải pháp trọng tâm nào để hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2023 trong các tháng cuối năm, thưa ông?
Trong các tháng cuối năm 2023, BHXH tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng internet; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT.
Người dân giao dịch tại bộ phận một cửa của Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Văn Điệp |
Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ, hạn chế tình trạng phát sinh nợ đóng BHXH, BHTN, BHYT; thường xuyên rà soát, hoàn thiện cơ sở dữ liệu người chưa tham gia để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHTN, BHYT cho người tham gia. Chủ động đề xuất thực hiện thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất đối với những đơn vị chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT; kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT.
Đồng thời, kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác liên ngành thu nợ BHXH, BHYT của các địa phương, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai có hiệu quả công tác thu hồi nợ BHXH trên địa bàn, hạn chế tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH của các đơn vị sử dụng lao động; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm BHXH, BHYT, BHTN.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các đơn vị. Thường xuyên rà soát và hướng dẫn các đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia BHXH chưa đầy đủ cho người lao động thực hiện đăng ký tham gia theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, triển khai chính sách đặc thù của tỉnh để thu hút các dự án đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh, thu hút lao động vào thị trường quan hệ lao động, tham gia BHXH, BHTN.
Xin cảm ơn ông!