Khánh Hòa: Tiêu hủy hơn 26 tấn lợn dịch tả, dự báo dịch diễn biến phức tạp
Dịch đã xuất hiện tại 14 hộ chăn nuôi ở xã Suối Tân
Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Lâm, từ ngày 20/10 đến 8/11, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 14 hộ ở thôn Dầu Sơn và thôn Đồng Cau (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm). Số lợn chết, bệnh buộc tiêu hủy là 501 con với tổng trọng lượng hơn 26 tấn.
Trong số 14 hộ dân có lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, có hộ gia đình phải tiêu hủy 40 conn lợn thịt với tổng trọng lượng hơn 2,3 tấn, có hộ tiêu hủy 18 con với tổng trọng lượng hơn 1,1 tấn, người chăn nuôi chịu thiệt hại lớn.
Một con lợn của người dân bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Tuấn Phát |
Cụ thể, từ 20/10 đến 1/11, phát hiện 8 hộ nuôi ở thôn Dầu Sơn có lợn bị mắc dịch bệnh với 392 con, trọng lợn gần 21 tấn. Tiếp tục từ ngày 4/11 đến 5/11, dịch bệnh tiếp tục phát sinh ở 4 hộ nuôi, tổng số lượng tiêu hủy lợn bệnh là 79 con, tổng trọng lượng hơn 4,1 tấn.
Ngày 6/11, phát hiện thêm 2 hộ nuôi ở thôn Đồng Cau có lợn bệnh, với số lượng 30 con, tổng trọng lượng gần 1 tấn.
Thôn Đồng Cau giáp ranh liền kề thôn Dầu Sơn (nằm phía Tây quốc lộ 1A, cách ổ dịch cũ ở thôn Dầu Sơn khoảng 500m). Do lợn bệnh xuất hiện ở thôn mới, Trạm đã phối hợp với địa phương tiến hành kiểm tra, thu thập thông tin tình hình dịch bệnh và cho lấy 2 mẫu bệnh phẩm gửi cơ quan xét nghiệm.
Trạm Chăn nuôi và Thú y Cam Lâm cho biết, đã phối hợp với chính quyền xã hướng dẫn hộ nuôi xử lý, tiêu hủy, chôn đốt toàn bộ số lợn bệnh, chết phát sinh mới. Cùng với đó, vệ sinh, khử trùng toàn bộ khu vực nuôi và địa điểm tiêu hủy; cắm biển thông báo dịch bệnh; cấm, hạn chế, cách ly người ra vào khu vực nuôi xảy ra dịch bệnh, khu vực xử lí tiêu hủy.
Tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Tuấn Phát |
Quyết liệt khống chế dịch tả lợn châu Phi
Ông Ngô Văn Bảo – Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho hay, diễn biến của bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian đến còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Suối Tân triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tăng cường tổ chức công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các dấu hiệu nhận biết, biện pháp phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện “5 Không” theo đúng quy định của Luật Thú y là Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ lợn bênh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Đặc biệt tập trung các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới.
Đối với UBND các xã, thị trấn, UBND huyện đã yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh để phát hiện sớm các ổ dịch và bao vây dập tắt dịch ngay khi còn ở diện hẹp, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh khử trùng sau mỗi buổi họp chợ.
Ngoài ra, cũng giao Công an huyện, Đội quản lý thị trường số 5 thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm; buôn bán, vận chuyển gia súc và gia cầm không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.