CôngThương - Từng tham gia quân đội, đang là cán bộ cơ quan Nhà nước, ông lại ra ngoài kinh doanh. Tại sao vậy?
- Sau khi tôi giải ngũ năm 1976, tôi về làm Chủ nhiệm bộ môn Nền móng và Công trình ngầm tại Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải. Tôi không bỏ cơ quan Nhà nước, năm 1987 là thời điểm tinh giảm biên chế - một trong những giải pháp sống còn của đất nước khi khối Liên Xô-Đông Âu tan rã (1989-1992). Tôi rời cơ quan giống như sự hy sinh của bản thân, chứ không phải vì chán mà bỏ. Giả sử, không có mở cửa, thì nay tôi vẫn là cán bộ Nhà nước.
-Ý tưởng thành lập một công ty tư vấn đến từ đâu, khi mà phông kiến thức của ông là nền móng và công trình ngầm?
- Nếu lịch sử không có ai chen ngang mà chỉ là dòng chảy của thời gian thì tôi cũng có một vị trí nào đó. Tôi chưa bao giờ kinh doanh nên không hề có bản năng của một nhà kinh doanh. Vì vậy, khi tất cả mọi người “đang ngủ”, thì tôi đã thức tỉnh một cách có ý thức trong việc học tập về các quy luật của nền kinh tế thị trường. Vì hoàn cảnh đất nước, nên chúng tôi phải học, phải nghiên cứu. Học mà trong lòng đầy bức xúc và cuộc sống thực thì đầy rẫy khó khăn.
- Là doanh nhân Việt Nam đầu tiên bước chân sang New Yok ngay khi Mỹ bắt đầu mở cửa vào năm 1989. Đây là dấu ấn khởi sự doanh nghiệp của ông?
- Mở cửa, nhưng xã hội của chúng ta khi đó vẫn chưa có kinh doanh chính thống. Hầu như người Việt Nam chưa biết gì về thương mại quốc tế, còn người phương Tây thì biết tất cả nhưng chưa biết gì về xã hội Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ rằng cần phải có người phiên dịch sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội. Tôi lập ra doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ở VN để thực thi chức năng phiên dịch và kinh doanh quan hệ quốc tế. Năm 1989, tôi đến Úc, rồi đến Mỹ, để nói chuyện với các công ty, doanh nghiệp. Những buổi nói chuyện như vậy tạo cho tôi nhiều cơ hội để khi đã có thương hiệu rồi, tôi tham gia vào quá trình tư nhân hóa.
- Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, doanh nhân VN cũng trải qua nhiều thăng trầm và biến động?
- Tôi nghĩ, cái thăng trầm lớn nhất của thân phận nhà kinh doanh chính là quan niệm về giá trị trong đời sống văn hóa. Rào cản lớn nhất là khi bị người ta khinh là “con buôn”. Trong nhiều năm, doanh nhân không chịu giải phóng mình ra khỏi sự “cùm kẹp tinh thần”. Vì vậy, tôi phân chia miền tự do ra làm hai. Cái tự do bên ngoài là thể chế, cái tự do bên trong là năng lực tự nhận thức của con người.
Người Việt, cho đến lúc này, vẫn có những lứa tuổi yên tâm rằng, làm kinh doanh là một vinh hạnh. Nhiều người không biết được rằng, tổ chức căn bản nhất của xã hội dân sự chính là các DN. Họ không muốn ghép khái niệm kinh doanh, công ty vào trong khái niệm xã hội dân sự. Các bạn thấy rằng, nếu không xây dựng được công ty cho mình thì con người không có được miếng đất cắm dùi về tinh thần để có thể sống một cách độc lập. Cho nên, khi nói về tinh thần kinh doanh, chúng ta phải thấy rằng, việc xây dựng công ty chính là xây dựng những tế bào cơ bản của xã hội dân sự nhưng muốn xây dựng được phải hiểu được giá trị thực của nó.
- Ông vừa nhắc đến thể chế, nhưng thể chế nền kinh tế thời điểm ông lập nghiệp khác với thể chế hiện nay. Doanh nhân sẽ ứng xử thế nào với thế chế của ngày hôm nay?
- Lo lắng về những tác động tiêu cực của thể chế đến đời sống kinh doanh là công việc hàng ngày của một nhà kinh doanh. Anh nghiên cứu thể chế như một điều kiện tiên quyết và phải “sống chung” với nó. Một doanh nhân thành đạt là một người không bao giờ bỏ về khi nghe chuyện chính trị. Ở góc độ khoa học, tính ỳ của thể chế cao. Nhưng điều đó không có nghĩa là thể chế không tự tiến triển dưới áp lực khác nhau. Doanh nhân là một trong những yếu tố tạo ra những áp lực thay đổi thể chế.
- Trong cuốn “Đối thoại tương lai”, ông cho rằng, con người ta có tự do, tự lập, tự trọng. Ông đánh giá trong doanh nhân Việt ngày nay đạt được bao nhiêu trong ba cái đó?
- Sự không dẫm đạp lên các quyền của nhau là bản chất triết học. Thứ nhất, tự do có trước khi con người sinh ra, nên buộc phải có nó. Không có một nhà nước nào được coi là tiến bộ nếu tẩy chay khái niệm này. Nhưng tự do không phải là muốn làm gì thì làm, tự do là ở bên trong mình, mình muốn nghĩ gì thì nghĩ nhưng đã hành động thì phải chiếu cố đến quyền tự nhiên của người khác, không dẫm đạp lên các quyền của người khác. Thứ hai, tự lập là phẩm hạnh. Muốn làm người thì phải tự lập, còn nếu không tự lập được thì có nghĩa là lãng phí tự do. Thứ ba, tự trọng là thái độ. Nhiều người nhầm lẫn tự trọng với tự ái. Tự ái mang lại sự khúc mắc có tính chất bất hạnh nhưng tự trọng thì không. Tự trọng được nuốt vào bên trong và tạo ra ý chí của con người. Đó là ba khái niệm bắt đầu từ chữ “tự” nhưng là ba phạm trù khác nhau của đời sống. Vì vậy, phân biệt là cần thiết để minh bạch trong nhận thức. Tôi nghĩ, trong đời sống hàng ngày, người nào có đủ ba chữ đó, nhìn là biết ngay.
-Đổi mới, kinh tế mở cửa đã tạo nên một ông Bạt hôm nay. Nhưng nền kinh tế đang rất khó khăn, theo ông, đây có phải là thời điểm sản sinh một thế hệ doanh nhân mới?
- Rất có thể. Tôi nghĩ, khó khăn hiện nay sẽ sản sinh một thế hệ doanh nhân mới, báo hiệu sự xoay chuyển, đổi mới khác của đất nước, theo hướng tích cực. Thời điểm hiện nay có thể đang ở giai đoạn khó khăn, nhưng chúng ta đừng “xét nghiệm lâm sàng” mọi sự khủng hoảng theo quan điểm bạo loạn của lịch sử nhiều quốc gia. Sự thay đổi, không nhất thiết đến từ bạo loạn mà đến từ sự thức tỉnh và nhu cầu. Tôi linh cảm, đất nước đang chuyển mình từ chính các doanh nhân trẻ.
- Với tầm nhìn của ông, những khoảng trống nào đang tồn tại và lớp trẻ còn cơ hội để nắm bắt?
- Tôi nghĩ, chúng ta có mọi khoảng trống. Khoảng trống là mênh mông. Nếu các bạn cảm thấy mặt bằng chật chội, cứ lên kinh doanh trên tầng 10, tầng 15. Xã hội hiện đại có đủ năng lực kết nối các tầng không liên tục.
-Xin cảm ơn ông!