ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) |
Hưởng ứng Ngày KH&CN năm 2019, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các tổ chức KH&CN của ngành triển khai hoạt động hưởng ứng một cách thiết thực; tổ chức khen thưởng tập thể, cá nhân và công trình xuất sắc có nhiều đóng góp trong sự nghiệp phát triển KH&CN của ngành giai đoạn 2015 - 2018; tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi, thảo luận về những thành tựu và việc nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong từng ngành, lĩnh vực.
Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở làm việc, phát hành bản tin chuyên đề giới thiệu các kết quả KH&CN nổi bật của ngành Công Thương, Bộ Công Thương đã tổ chức gian hàng trưng bày một số sản phẩm tiêu biểu là kết quả từ đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ cao…
Đặc biệt, ngày 16/5/2019, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo "Cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm của viện nghiên cứu thuộc Bộ Công Thương trong quá trình chuyển đổi và thực hiện cơ chế tự chủ". Đây là hoạt động có ý nghĩa bởi giải quyết được câu chuyện tự chủ chính là khai thông, tạo môi trường thuận lợi cho tổ chức KH&CN hoạt động hiệu quả.
KH&CN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, ngành, lĩnh vực cũng nhưcủa từng doanh nghiệp (DN). Ông đánh giá nhưthế nào về đóng góp của KH&CN đối với phát triển của ngành Công Thương?
Cùng với quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, ngành Công Thương đã tập trung vào quá trình tái cơ cấu ngành, lĩnh vực hoạt động theo hướng nâng cao tỷ trọng ngành công nghiệp công nghệ cao; nâng cao sức cạnh tranh của DN và khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Những điều chỉnh đó cùng với sự nỗ lực của toàn ngành Công Thương đã được ghi nhận bằng những kết quả hết sức rõ nét. Năm 2018, ngành Công Thương hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao.
Đóng góp vào kết quả trên của ngành Công Thương có vai trò hết sức tích cực của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong DN, thể hiện thông qua việc năng suất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục tăng thời gian qua. Bên cạnh đó, kết quả điều tra về sử dụng công nghệ trong sản xuất năm 2017 của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ DN tham gia hoạt động đổi mới công nghệ khá cao.
DN của ngành Công Thương đã có những bước đi hết sức tích cực trong tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị DN, nâng cao mức độ tự động hóa trong quy trình sản xuất là chủ trương xuyên suốt trong nhiều DN. Bên cạnh đó, mô hình nhà máy số đã bắt đầu xuất hiện trong các DN Việt Nam.
KH&CN đang trở thành nguồn lực quan trọng của mọi quá trình tăng trưởng và phát triển. Do đó, hoạt động KH&CN cũng đặt ra nhiều yêu cầu và thách thức mới. Ông có thể cho biết về những đổi mới trong công tác KH&CN của Bộ Công Thương thời gian qua?
Hoạt động KH&CN ngành Công Thương đã liên tục có những điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với yêu cầu cấp thiết của DN ngành Công Thương trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Trên cơ sở rà soát, đánh giá toàn diện công tác triển khai và kết quả từ 6 chương trình/dự án KH&CN cấp quốc gia; 2 chương trình KH&CN trọng điểm cấp Bộ; chương trình phối hợp với Bộ KH&CN; đề án ứng dụng KH&CN trong tái cơ cấu ngành Công Thương cùng hoạt động nghiên cứu KH&CN cấp bộ, Bộ Công Thương đã có đổi mới từ định hướng nghiên cứu tới cách thức tổ chức thực hiện và phân bố nguồn lực.
Cụ thể, về nội dung, các nhiệm vụ chú trọng hỗ trợ DN ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Về tổ chức thực hiện, tập trung xây dựng những nhiệm vụ KH&CN quy mô lớn, theo cụm nhiệm vụ để giải quyết những vấn đề cấp thiết, trọng điểm; đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu với lực lượng khoa học của DN.
Đặc biệt, về nguồn lực, tập trung kinh phí triển khai các chương trình/dự án KH&CN cấp quốc gia; tăng quy mô đối với từng nhiệm vụ, tránh việc giao và thực hiện một cách dàn trải; tỷ lệ dự án đầu tư, sản xuất thử nghiệm liên tục tăng ngay cả trong các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ và mức độ đóng góp của DN không ngừng được nâng lên. Nhiều nhiệm vụ KH&CN đã ứng dụng thành công trên thực tế, đem lại hiệu quả lâu dài cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, mở ra cơ hội nhưng cũng tạo ra không ít thách thức cho DN ngành Công Thương. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ có giải pháp nào giúp DN nâng cao năng lực tiếp cận với cuộc CMCN 4.0, thưa ông?
Chúng tôi đang tích cực triển khai các nhiệm vụ nằm trong Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương; thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc CMCN 4.0, trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng KH&CN là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Để công tác nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN mang lại hiệu quả thiết thực cho DN trong cuộc CMCN 4.0, các nội dung, nhiệm vụ ưu tiên triển khai của Bộ bao gồm: Xác định các lĩnh vực đầu tư KH&CN chiến lược, từ đó đề xuất xây dựng chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ và cấp quốc gia để triển khai thực hiện; xây dựng bộ tiêu chuẩn truyền thông, tiêu chuẩn công nghiệp mang tính mở và quốc tế hóa để tương thích với CMCN 4.0...
Công nghệ hiện đại được áp dụng trong sản xuất, kinh doanh |
Bên cạnh đó, xây dựng mô hình chuẩn hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến 4.0. Mỗi lĩnh vực cần có ví dụ điển hình, trên cơ sở đó khảo sát, phát triển và nhân rộng; nghiên cứu, xây dựng mô hình thí điểm kết nối các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và DN trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ internet kết nối vạn vật; điện toán đám mây; trí tuệ nhân tạo; công nghệ in 3D…
Xin cảm ơn ông!