Ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp
CôngThương - Trong phần trình bày trước Quốc hội chiều 19/11 về đóng góp của KHCN đối với phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho hay: “Chúng tôi đang xây dựng quyển sách trắng hàng năm về hoạt động KHCN, chúng tôi dự kiến kỳ họp này sẽ gửi tặng các đại biểu Quốc hội nhưng không kịp xuất bản cho nên kỳ họp sau xin hứa tặng các vị đại biểu Quốc hội cuốn sách trắng hoạt động KHCN năm 2013 trong đó có đầy đủ thông tin hơn”.
Nhiều chương trình nghiên cứu có ứng dụng hiệu quả
Người đứng đầu Bộ KHCN cho biết, vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt 3 chương trình quốc gia lớn về KHCN, trong đó có 2 chương trình rất gần gũi với nông nghiệp đó là chương trình về phát triển sản phẩm quốc gia và chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Trong 9 sản phẩm quốc gia được lựa chọn, tức là 6 sản phẩm chính thức và 3 sản phẩm dự bị, Thủ tướng cũng đã quyết định về nông nghiệp có tới 3 sản phẩm đó là sản phẩm lúa gạo là một trong 6 sản phẩm chính thức, sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu, sản phẩm về cá da trơn là hai sản phẩm dự bị.
Trong nhiều năm qua Bộ KHCN cũng luôn luôn quan tâm đến mảng nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong số 10 chương trình trọng điểm cấp nhà nước về KHCN đã có 2 chương trình phục vụ trực tiếp cho ngành nông nghiệp đó là chương trình KC02 về công nghệ sinh học chủ yếu là phục vụ cho nông nghiệp và y tế, chương trình KC07 là chương trình về bảo quản chế biến sau thu hoạch, cũng chủ yếu là phục vụ cho ngành nông nghiệp. Rất nhiều thành tựu của chúng ta trong hai chương trình này cũng đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất và đã đem lại hiệu quả.
Ngoài ra một chương trình được thực hiện năm nay là năm thứ 13 cũng rất thành công là chương trình đưa tiến bộ KHCN vào nông thôn, miền núi, chúng tôi thường gọi là chương trình nông thôn miền núi.
Hàng năm, các nhà khoa học đã giúp cho các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh nông nghiệp, các tỉnh miền núi có những dự án để ứng dụng những tiến bộ KHCN vào sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là cho các vùng còn rất khó khăn. Các dự án này có 2 loại: Một loại là do trung ương quản lý, một loại là ủy quyền cho các địa phương quản lý. Các dự án này đã nâng cao đời sống của người dân, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và được các địa phương đánh giá rất cao.
Mặc dù vốn đầu tư của nhà nước rất khiêm tốn, chương trình kéo dài 5 năm được bố trí 700 tỷ đồng, tức là mỗi một năm khoảng trên 100 tỷ đồng. Nhưng các địa phương cũng đã có vốn bổ sung và các doanh nghiệp và nông dân cũng đã đóng góp công sức và tiền vốn của mình vào, cho nên các dự án này cũng đã phát triển rất tốt. Ví dụ các dự án về nấm triển khai trên 30 tỉnh, cho đến nay có thể nói đã đem lại hiệu quả rất tốt, nông dân ở trên 30 tỉnh đã có cuộc sống tốt hơn và năng suất nấm, sản lượng nấm đã tăng lên trên 200.000 tấn và chúng tôi cũng thấy khi đạt tới ngưỡng khoảng 500.000 tấn có thể sản phẩm dự bị nấm ăn và nấm dược liệu sẽ trở thành sản phẩm chính thức trong sản phẩm quốc gia của chúng ta.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 3 chương trình lớn cho ba khu vực là: Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc có 3 chương trình phát triển kinh tế - xã hội và trong đó KHCN là nòng cốt và 3 chương trình này cũng hỗ trợ cho các ban chỉ đạo Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc với nội dung chủ yếu của nó vẫn là đưa KHCN vào phục vụ cho sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc trong ba khu vực này.
Ba chương trình này đã giao cho ba cơ quan khoa học lớn nhất của nước ta trực tiếp quản lý thực hiện đó là: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hai Viện Hàn Lâm KHCN Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là bốn cơ quan khoa học lớn nhất chủ trì cả ba chương trình KHCN cho ba vùng: Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc.
Đổi mới sáng tạo khả quan
Đánh giá về tiềm năng, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, đội ngũ cán bộ khoa học Việt Nam thực sự có tiềm năng và cho đến thời điểm này một số lĩnh vực chúng ta đã ở vị trí dẫn đầu trong khu vực như sản xuất lúa gạo, sản xuất cà phê, sản xuất cao su, thủy sản, cá da trơn, trong công nghiệp cơ khí siêu trường, siêu trọng, trong công nghiệp phần mềm thì có nhiều sản phẩm có vị trí hàng đầu trong khu vực.
Mặt bằng chung thì chúng ta còn nhiều yếu kém, đặc biệt là công bố quốc tế và sáng chế của Việt Nam còn rất ít so với các nước khác. Tuy nhiên, với hướng đầu tư và với việc thực hiện chiến lược phát triển KHCN mà Thủ tướng phê duyệt, có thể yên tâm tới năm 2020 KHCN của chúng ta có được vị trí cao hơn so với vị trí hiện nay, còn có thể nằm trong top 3 - 4 trong khu vực.
“Chúng ta cần phải nỗ lực nhiều bởi vì để vượt qua được Indonesia, Philipin, Thái Lan là bài toán không đơn giản. Chúng tôi hết sức nỗ lực, các thành tựu trong nông nghiệp của chúng ta đóng góp tỷ trọng lớn trong vị trí của Việt Nam. Báo cáo với đại biểu Quốc hội một tin tạm yên tâm là trình độ kinh tế của chúng ta đứng thứ 132 trên thế giới nhưng chỉ số đổi mới sáng tạo theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO thì chúng ta đã có lúc xếp thứ 51, hiện nay đứng thứ 72. Chúng ta phấn đấu năm nay và năm sau quay trở lại vị trí của năm 2010 tức là vị trí thứ 51” – Người đứng đầu Bộ KHCN khẳng định.
Năng suất lúa Việt Nam cao hơn Thái Lan
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, trong nông nghiệp hiện nay chúng ta còn thua kém Thái Lan một số mặt. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có yếu tố tiềm ẩn, chúng ta có thể cạnh tranh được. Riêng về khâu giống, các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu về giống lúa và các giống cây, giống con có thể nói là có trình độ không thua kém Thái Lan.
Thực tiễn canh tác và gieo trồng, thu hoạch thì năng suất lúa của Việt Nam hiện nay cũng đã cao hơn năng suất lúa của các nước khác kể cả Thái Lan. Tuy nhiên chúng ta thua kém nhiều nhất là khâu bảo quản chế biến sau thu hoạch, vì thế Bộ KHCN cũng đã xác định từ nay đến 2020 phải tập trung vào khâu phòng trừ dịch bệnh, nâng cao chất lượng của lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời phải có hệ thống bảo quản chế biến sau thu hoạch tiên tiến.
Hiện nay đã có những tín hiệu cho thấy chúng ta cũng có thể làm tốt như mô hình của công ty thuốc bảo vệ thực vật An Giang đầu tư theo chuỗi giá trị sản phẩm cho đến sản phẩm cuối cùng. Các đồng chí ở An Giang và Long An biết rất rõ là gần đây chúng ta có giống lúa OMEGA 3, loại gạo ấy rất tốt cho những người bị bệnh tiểu đường bán với giá rất cao cho thị trường Nhật Bản, bán tới 75.000/kg. Nếu như chúng ta tăng sản lượng của loại gạo này thì chắc chắn đem lại lợi nhuận rất lớn cho bà con nông dân ở các tỉnh Nam Bộ.
Trong lĩnh vực bảo quản, hiện nay Bộ KHCN đã đầu tư chuyển giao công nghệ của Nhật Bản và đang nghiên cứu để sắp tới có thể đưa ra hệ thống bảo quản phục vụ cho bảo quản hải sản, đánh bắt xa bờ, để có thể xuất khẩu trực tiếp ở quy mô công nghiệp Nhật Bản có công nghệ này họ đã thực hiện có thể là bảo quản hải sản nhiều năm, có thể tới 7 - 8 năm, thậm chí là 10 năm mà chất lượng vẫn như là vừa đánh bắt.
“Hy vọng nếu chúng ta làm chủ được công nghệ này và mở rộng ra quy mô công nghiệp thì chúng ta có thể cạnh tranh được với Thái Lan về nông nghiệp” – Người đứng đầu Bộ KHCN khẳng định.