Khóa tu mùa hè của Thầy Thích Pháp Hòa không khuyên cúng dường
Khác với những khóa tu mùa hè ồn ào, gây bức xúc dư luận những năm gần đây với các bài thuyết pháp cúng dường, thỉnh vong, giải oan gia trái chủ thu tiền, thì những bài pháp thoại trong các khoá tu (khoá tu mùa hè, khoá tu thanh niên) của Thầy Thích Pháp Hoà lại rất được lòng phật tử, công chúng gần xa đón nhận, thu hình, truyền bá rộng rãi.
Sức hút của các buổi giảng pháp của Thầy Thích Pháp Hòa đến từ những nội dung hết sức giản dị, đời thường nhưng vô cùng sâu sắc, giúp mọi người nhận diện được khổ, cũng như tìm được phương pháp chuyển hoá để sống thức tỉnh, hạnh phúc, bình an.
Clip “Vấn Đáp 12/7/2024 – Thầy Thích Pháp Hoà” (Khoá tu Thanh niên) ngày 11/7/2024 tại tu viện Tây Thiên trên kênh Youtube Pháp thoại Thầy Pháp Hoà. Ảnh chụp từ màn hình |
Đáng chú ý, một số ý kiến cho rằng, những tư tưởng lớn của đạo Phật, từ Hoa Nghiêm, Bát Nhã cho đến Địa Tạng, Dược Sư, Thủ Lăng Nghiêm… qua lời giảng của ông lại trở nên dễ hiểu và gần gũi hơn bao giờ hết bởi sự khéo léo lồng ghép những giáo lý của nhà Phật vào các câu chuyện thực tế về quan hệ gia đình, xã hội. Qua đó, giúp người nghe hiểu thêm về những giá trị của đạo Phật, tiếp nhận và ứng dụng những giá trị đó để thiết lập một đời sống bình an, tỉnh thức trong nội tâm.
Hơn thế, Thầy Thích Pháp Hoà với phong thái nhẹ nhàng, toát ra sự giản dị, khiêm cung, hòa ái của một bậc chân tu giúp mọi người có thêm niềm tin vào chánh pháp. Trên kênh YouTube cá nhân có hơn 1,5 triệu người theo dõi, các bài nói chuyện hay buổi phát trực tiếp của nhà sư Thích Pháp Hòa luôn thu hút hàng triệu lượt xem với những bình luận tích cực trước nội dung ông truyền đạt.
Trong clip đăng trên kênh YouTube Pháp thoại Thầy Pháp Hòa chủ đề “Vấn Đáp 12/7/2024 – Thầy Thích Pháp Hòa” (Khóa tu Thanh niên) ngày 11/7/2024 tại tu viện Tây Thiên, Thầy Thích Pháp Hoà đã có những thuyết giảng sâu sắc về trân quý cuộc sống thực tại, buông bỏ tham sân si, nóng giận để sống hạnh phúc, bình an.
Theo đó, tại nội dung của clip trên, ông đã đưa ra những kiến giải dễ hiểu và sâu sắc về đạo Phật. Theo Thầy Thích Pháp Hòa, “Phật giáo” là từ chung chỉ lời dạy của phật. Trong đó, ông cho hay, “Phật giáo” không phải là đức tin thuần tuý mà “tin” để đưa mình vào con đường tu tập chứ không phải tin để được giúp đỡ tu tập. “Tin Phật để học lời Phật dạy, tin để chuyển hoá, giúp cuộc sống thăng hoa, thay đổi chứ không phải ngồi một chỗ để Phật làm cho"- Thầy Thích Pháp Hòa chỉ rõ.
Thầy Thích Pháp Hòa nói thêm, tinh thần người phật tử là phải luôn tích cực làm việc để có sự thay đổi, để không phải chờ cứu độ của Phật!
Đặc biệt, trong buổi giảng pháp ở clip “Vấn Đáp 12/7/2024 – Thầy Thích Pháp Hòa” (Khóa tu Thanh niên), ông đã nói rõ hơn về phương pháp chánh niệm (biết rõ những gì đang xảy ra). Theo đó, đối với mỗi người, việc có thực hành chánh niệm thì cuộc sống mới hạnh phúc hơn. Bởi, khi không có chánh niệm đồng nghĩa không có khả năng nhận diện những gì đang có mặt trong đời sống, khiến con người luôn rơi vào mông lung, mãi chạy đi tìm đi tìm kiếm những điều không có ở thực tại.
Theo sư Thích Pháp Hòa, người có chánh niệm thì sẽ có khả năng trân quý những gì mình có trong cuộc sống. Ngoài ra, khi chánh nhiệm, thức tỉnh với hiện tại, con người luôn bình thản đón nhận những gì xảy ra, cũng như biết dùng phương pháp chánh niệm để bớt khổ. Ông lấy ví dụ: “Đói thì ăn, khát thì uống, khổ cái gì thì lấy phương pháp chánh niệm ra để nhận diện cái khổ, thoát khổ”.
Nói thêm, sư Thích Pháp Hòa cho rằng, Đức Phật hướng dẫn mỗi người đều phải làm việc, đi làm kiếm tiền nhưng chúng ta không phải chỉ cần có vật chất mà đời sống nội tâm cũng cần được chăm sóc để có bình an. "Tiền không phải giải quyết hết cái khổ, mà phải có hạnh phúc, bình an thì mới chuyển hoá được khổ đau trong nội tâm"- ông nói.
Ngoài ra, nội dung clip của buổi pháp thoại trên cũng giảng về ứng xử, giúp thay đổi người khác bớt tham sân si, hướng tới cái thiện, tốt đẹp. Theo Thầy Thích Pháp Hòa, khi muốn thay đổi người khác trước hết nên chú ý đến cách mình ứng xử, lời nói và suy nghĩ khi tiếp nhận, đối đãi, khuyên nhủ người khác.
Ông lấy ví dụ: Khi trưởng thành, lập gia đình, muốn hạnh phúc, gắn bó với người bên cạnh chúng ta cần hiểu và thương luôn tâm tính của họ. Đồng thời, chính bản thân mình cũng cần thay đổi cách sống, thói quen để có thể hài hòa, mang lại hạnh phúc cho nhau và cho chính bản thân.
Bên cạnh đó, từ câu hỏi về liệu khi thay đức tin đối với một tôn giáo liệu có bị trừng phạt hay không? Thầy Thích Pháp Hòa cho rằng, không ai bị trừng phạt cả, quan trọng là con đường mình đi có an toàn, bình an, có giúp cho mình phương pháp chuyển hóa thân tâm hay không. “Đạo là con đường”, vì thế theo ông cần chọn cái gì rõ ràng, đúng đắn chứ không để lạc đường, sai lối!
Đặc biệt, chia sẻ về cách kiềm chế tức giận, Thầy Thích Pháp Hoà nhấn mạnh, nếu không thực hành chuyển hoá nóng giận sẽ dẫn tới những khó khăn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Theo ông, đừng để nóng giận tàn phá các kế hoạch, những điều tốt đẹp mình hướng tới.
Và cách đề hoá giải cơn nóng giận, sư Thích Pháp Hoà chỉ rằng: Hãy giành những giây phút ngồi thiền để lắng tâm, qua đó giúp cho cơn nóng giận thuyên giảm. Lâu dần thuần thục, thì nóng giận trong thân sẽ lắng xuống. “Thiền là có khả năng sống vắng lắng, đủ khả năng nhận diện đang tâm khởi, nhận biết mình đang nóng giận”- ông nói.
Pháp thoại giống như những cơn mưa thấm sâu vào tâm thức và tưới tẩm những hạt giống trí tuệ, từ bi sẵn có trong mỗi người. Với những pháp thoại, thuyết pháp chân thành, giản dị, Thầy Thích Pháp Hoà đã giúp cho người nghe hiểu thêm về những giá trị của đạo Phật và ứng dụng những giá trị đó để thiết lập một đời sống bình an và tỉnh thức trong nội tâm. Qua đó, phật tử và người dân sẽ tránh được các suy nghĩ và hiểu biết sai lệch về Phật giáo cũng như tôn trọng, trân quý người nói pháp.
Nhà sư Thích Pháp Hòa, sinh năm 1974 tại Cần Thơ, là con trưởng trong gia đình có hai anh em. Bảy tuổi, ông xin mẹ dẫn vào một tịnh xá để quy y và phát nguyện ăn chay, tụng kinh, thờ Phật. 12 tuổi, hai anh em ông cùng mẹ sang Canada định cư. Năm 15 tuổi, ông Thích Pháp Hòa xuất gia. Đến năm 2006, sau một thời gian tu tập và giảng pháp, ông được giao phó vai trò trụ trì Tu viện Trúc Lâm (tỉnh Alberta, Canada). Năm 2007, nhà sư đảm nhiệm thêm trọng trách trụ trì tu viện Tây Thiên. |