Khối ASEAN lạc quan về Hiệp định RCEP sau phiên họp Hội đồng AEC lần thứ 18
Tin hoạt động 01/11/2019 10:40
Là một nội dung quan trọng tại phiên họp, Chủ tịch Thái Lan cho biết 10 quốc gia thành viên ASEAN và sáu đối tác thương mại vẫn lạc quan về việc tạo ra bước đột phá đối với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 sau thời gian dài bị trì hoãn. Ý kiến của chủ tịch ASEAN 2019 đưa ra trong bối cảnh các nhà đàm phán lo ngại về việc Ấn Độ miễn cưỡng chấp nhận thỏa thuận RCEP. Ấn Độ từ lâu đã là nhân tố chính khó lường trong RCEP do sự phản đối mạnh mẽ trong nước và lo ngại nước này sẽ tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc. Ấn Độ gần đây đã làm các nhà đàm phán khác thất vọng bằng cách yêu cầu thay đổi hiệp định…
Các Bộ trưởng ASEAN tại Lễ ký kết thỏa thuận cải thiện Nghị định thư ASEAN về cơ chế giải quyết tranh chấp tăng cường, ngày 31/10/2019, Bangkok, Thái Lan |
Sau Hội nghị AECC ngày 31/10, các nước RCEP hy vọng sẽ hoàn tất các cuộc đàm phán tại hội nghị cấp cao sẽ diễn ra ngày 2-4/11. Một số vấn đề vẫn chưa được thống nhất và các nhà đàm phán tiếp tục họp trong ngày 1/11 để giải quyết chúng trước khi chuyển kết quả đàm phán tới các nhà lãnh đạo của các nước sẽ được công bố tại Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 3. Các nhà đàm phán thương mại từ 16 quốc gia cần thống nhất 6 chương còn lại - cụ thể là các quy tắc cạnh tranh thương mại và các biện pháp giảm thiểu tác dụng phụ tiêu cực của RCEP - nhằm tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế giữa các bên ký kết hiệp định thông qua thương mại tự do.
Thương mại tự do là một vấn đề nhạy cảm trong suốt các cuộc đàm phán RCEP. Việc chậm tiến độ đã được thực hiện kể từ khi bắt đầu vào năm 2012, chủ yếu là do thiếu các thỏa thuận thương mại tự do giữa một số đối tác, chẳng hạn như giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Ấn Độ với Trung Quốc. Khi RCEP có hiệu lực, hiệp định này sẽ bao phủ gần một nửa dân số thế giới, tương đương khoảng 3,5 tỷ người. Các cuộc đàm phán RCEP đã được đưa ra vào tháng 11/2012, với mục tiêu tăng cường hợp tác kinh tế giữa ASEAN và 6 đối tác thương mại. Các quốc gia ký kết RCEP có tổng dân số khoảng 3,56 tỷ người, với khối lượng giao dịch hơn 10,3 nghìn tỷ USD hoặc 29% thương mại thế giới. RCEP thường được coi là đối trọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định từng được Mỹ dẫn đầu trước khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp định này vào năm 2017.
Tại Hội nghị AECC ngày 31/10, các nước ASEAN đã đánh giá và thừa nhận những tiến bộ đạt được đối với 13 kế hoạch kinh tế ưu tiên do Thái Lan đề xuất với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2019. Thái Lan sẽ cố gắng thúc đẩy tất cả 13 kế hoạch kinh tế sẽ được hoàn tất trước Thái Lan kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch năm nay. Trong số các nhiệm vụ kinh tế, ưu tiên là kế hoạch hành động khung hội nhập kỹ thuật số ASEAN, lộ trình đổi mới ASEAN, hướng dẫn phát triển lao động kỹ năng và dịch vụ chuyên nghiệp cho Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tuyên bố của ASEAN về chuyển đổi công nghiệp sang Công nghiệp 4.0, số hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ của ASEAN. Các kế hoạch khác là cơ chế hải quan một cửa ASEAN, khung thanh toán tiền nội tệ, cơ chế tài chính cơ sở hạ tầng ASEAN, kế hoạch tổng thể du lịch ẩm thực ASEAN, kết thúc đàm phán RCEP, thúc đẩy thủy sản bền vững thông qua hợp tác ASEAN, lộ trình cho thị trường vốn bền vững ASEAN và thành lập của một trung tâm nghiên cứu và phát triển ASEAN về năng lượng sinh học.
Một hiệp định nhằm cải thiện Nghị định thư ASEAN năm 2004 về Cơ chế giải quyết tranh chấp tăng cường cũng đã được ký kết tại cuộc họp của Hội đồng AEC. Cơ chế được cải tiến sẽ mang lại sự rõ ràng hơn trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến kinh tế giữa các thành viên ASEAN. Thỏa thuận sẽ quy định rõ các cuộc thảo luận sẽ kéo dài bao lâu và đưa ra nhiều lựa chọn hơn về các cơ chế để lựa chọn giữa một hội đồng và trọng tài trong giải quyết tranh chấp.
Tuy nhiên, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN vẫn chưa ký thỏa thuận về các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) đối với ô tô và các phụ tùng ô tô vì một số quốc gia chưa sẵn sàng. Thỏa thuận này dự kiến sẽ được ký kết tại Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. MRA là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên để cùng thừa nhận hoặc chấp nhận một số hoặc tất cả các khía cạnh của kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau. MRA có thể được hoàn tất ở cấp kỹ thuật hoặc chính phủ. Thông qua MRA, các sản phẩm được kiểm tra và chứng nhận trước khi xuất khẩu có thể vào nước nhập khẩu mà không phải trải qua các thủ tục đánh giá tương tự tại điểm đến.