Khởi động Chương trình hỗ trợ, tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
“Lộ diện” hạn chế của công nghiệp hỗ trợ
Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp hỗ trợ được đánh giá là một nhánh quan trọng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, đóng vai trò như nguồn đầu vào cho chuỗi hoạt động sản xuất và thúc đẩy lưu thông hàng hoá trong nước. Không thể phủ nhận rằng trong nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ về cả cơ chế chính sách cũng như việc đẩy mạnh đầu tư nhiều nguồn lực, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những bước tiến nhất định, đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, sự phát triển đó chưa đủ để đáp ứng nhu cầu vào chuỗi cung ứng thế giới, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay còn gặp phải những mặt hạn chế nhất định về sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài. Thực trạng chung của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay là quy mô và năng lực của các doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu…
Đối với thực trạng này, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương nêu thực tế, việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ một trong những điểm yếu lớn nhất của kinh tế Việt Nam là nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng từ nước ngoài. Mặc dù trình độ sản xuất và công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã từng bước được cải thiện, nhưng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ kỹ thuật của phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn nhiều hạn chế.
“Đáng chú ý, khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn khá lớn”- ông Phạm Tuấn Anh chỉ ra.
Đưa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đến gần hơn với chuỗi cung ứng
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ đã đặt mục tiêu, năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%. Tuy nhiên, theo nhận định cho đến thời điểm hiện nay đây vẫn được coi là mục tiêu có nhiều thách thức với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phát biểu tại lễ khởi động |
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, thời gian qua, Cục Công nghiệp đã phối hợp với các tập đoàn đa quốc gia triển khai nhiều chương trình đào tạo, tư vấn đổi mới công nghệ sản xuất, giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất, đủ năng lực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, phải kể đến chương trình hợp tác giữa Cục Công nghiệp và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam thông qua việc ký kết Biên bản ghi nhớ qua các năm về việc hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Dự án Hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được triển khai từ năm 2020 với mục tiêu hỗ trợ xây dựng năng lực cho một số doanh nghiệp trong nước và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô bao gồm 4 hoạt động chính: Sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam; Tìm kiếm, hỗ trợ nhà cung cấp tiềm năng cấp 2 và cấp 3 và giới thiệu đến nhà cung cấp cấp 1 từ những dữ liệu của hoạt động sàng lọc; Tổ chức các chuyến thăm thực tế tại nhà máy Toyota Việt Nam và nhà cung cấp nội địa của Toyota; Hỗ trợ tham gia đào tạo theo một số Chương trình phát triển nhà cung cấp Việt Nam. Đặc biệt, trong năm nay, Toyota Việt Nam và Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương thực hiện thêm một hoạt động mới, chương trình “Hỗ trợ cải tiến hoạt động” cho một số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô nhằm cải thiện quy trình sản xuất cho nhà cung ứng nội địa.
Chương trình năm nay có sự tham gia của 4 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, với mong muốn có cơ hội lắng nghe và học tập những kinh nghiệm trực tiếp từ chính các chuyên gia của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam. Cụ thể, Toyota Việt Nam sẽ đồng hành và hỗ trợ có chiều sâu cho 4 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực dập, đúc, nhựa và cao su bằng cách cử chuyên gia đến làm việc, tìm ra những vấn đề tồn tại và cùng doanh nghiệp đưa ra biện pháp, kế hoạch cải tiến khắc phục, từ đó nâng cao năng lực của doanh nghiệp. Bốn doanh nghiệp được Toyota Việt Nam hỗ trợ bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH Kỹ thuật Nhật Minh, Công ty TNHH MTV Cao su 75, Công ty Cổ phần Công nghiệp Kim Sen.
Là một trong những doanh nghiệp đầu chuỗi ngành ô tô với những nỗ lực nâng cao tỉ lệ nội địa hoá, ông Nguyễn Xuân Thuỷ - Phó Giám đốc kế hoạch chiến lược, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam chia sẻ, từ năm 2020, với sự tin tưởng của Bộ Công Thương, Toyota Việt Nam bắt đầu phối hợp với Bộ triển khai dự án nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp trong nước về công nghiệp hỗ trợ và đã có những kết quả khả quan.
Năm nay, bên cạnh những hoạt động đã triển khai từ trước, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam sẽ mở rộng thêm hoạt động hỗ trợ theo chiều sâu cho một số nhà cung cấp nằm ngoài hệ thống các nhà cung cấp hiện tại của Toyota Việt Nam. “Thông qua các hoạt động mới của dự án trong năm nay, chúng tôi hy vọng Toyota Việt Nam có thể hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các doanh nghiệp qua đó đóng góp cho sự phát triển chung của ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam” - ông Nguyễn Xuân Thuỷ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thuỷ- Phó giám đốc Kế hoạch chiến lược Toyota Việt Nam: qua hoạt động của dự án, chúng tôi hy vọng có thể hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động của các doanh nghiệp |
Bên cạnh đó, đại diện từ phía các doanh nghiệp tham gia chương trình, ông Dương Minh Hải - Giám đốc sản xuất Khối hàng linh kiện, Công ty CP Công nghiệp Kimsen cho hay, thông qua chương trình hỗ trợ tư vấn doanh nghiệp kỳ vọng sẽ học hỏi thêm được các kinh nghiệm tổ chức quản lý quý báu của Toyota - một trong những công ty hàng đầu thế giới đã đúc rút và sáng tạo ra phương pháp sản xuất mà rất nhiều công ty khác học hỏi và áp dụng.
Từ đó có thể giúp doanh nghiệp sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao và ổn định, với chi phí thấp hơn, giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất, đáp ứng tốt được tiến độ giao hàng của khách hàng.
Đồng thời ngày càng cải thiện được môi trường sản xuất thân thiện, an toàn với người lao động. “Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới tiếp tục nhận được các chương trình hỗ trợ của Bộ Công Thương để ngày càng hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý của mình, qua đó đóng góp một phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam”- lãnh đạo Công ty CP Công nghiệp Kimsen bày tỏ.