Khởi động Tour du lịch đảo Cồn Cỏ
- Đảo Cồn Cỏ có nhiều chứng tích chiến tranh như: khu địa đạo dọc ngang trên đảo dài hơn 20 km; hệ thống lô cốt dọc bờ biển; các khu nhà pháo... Cồn Cỏ là đảo anh hùng nổi tiếng đã từng được Bác Hồ gửi thư khen, 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Với mục tiêu mở tour du lịch đến đảo Cồn Cỏ vào mùa hè năm nay, ngày 10/4/2012, một đoàn khảo sát liên ngành thuộc Dự án Phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông đã cùng với một số ban ngành tỉnh Quảng Trị và nhiều Công ty du lịch, lữ hành miền Trung tổ chức chuyến khảo sát thực tế tại đảo Cồn Cỏ nhằm đánh giá các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch và kêu gọi đầu tư.
Sau gần 10 năm được thành lập, huyện đảo Cồn Cỏ đang phát triển mạnh,riêng năm 2011 vừa qua, tổng vốn đầu tư xây dựng trên các lĩnh vực ước đạt 130 tỷ đồng. Nhiều cơ sở kinh tế- xã hội- giáo dục được hình thành, làng Thanh niên lập nghiệp đã giúp bộ mặt hòn đảo anh hùng, hòn đảo thép này thêm tươi xanh, rộn rã tiếng cười nhưng không làm mất đi phong cảnh nguyên sơ của huyện đảo....
Ông Lê Quang Lanh- Bí thư Huyện ủy- Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, đảo Cồn Cỏ có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rất lớn. Với diện tích rộng hơn 230 héc-ta, chu vi quanh đảo khoảng 5km, độ cao từ 5 đến 30m so với mặt nước biển, riêng giữa đảo có một đỉnh đồi nhô lên cao 63,4m mà trong chiến tranh bộ đội ta vẫn gọi với cái tên gần gũi là đồi “Hải Phòng”. Đảo Cồn Cỏ là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới, trong đó có hệ sinh thái rạn san hô, là khu vực tập trung các bãi đẻ của nhiều loài hải sản quí, có giá trị kinh tế cao và đặc hữu. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên đảo thuộc vào dạng quý hiếm. Bên cạnh giá trị đa dạng sinh học, vùng biển đảo Cồn Cỏ còn chứa đựng nhiều giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử. Gần 80% diện tích trên đảo là rừng tự nhiên, tuy bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh song trên đảo còn nhiều cây cổ thụ to 3 đến 4 người ôm. Nhiều loài cây lạ không có ở đất liền như loại cây thân vằn vèo, nhiều đốt; Có cây gỗ cứng khi xây xát thì vỏ tiết ra thứ nhựa đỏ như máu, nên gọi là cây “dầu máu”; cùng một số loài khoai dại, lá to hơn cả lá chuối, cây sâm cau, nhàu nhàu...
Thực tế hiện nay, điều thuận lợi nhất của đảo là âu cảng tàu thuyền ra vào dễ dàng, đường đi trên đảo đang được đầu tư mở rộng với trị giá hàng trăm tỷ đồng. Hệ thống phát thanh, truyền hình, viễn thông đã được phủ kín, riêng trạm thu phát tín hiệu của Vinaphone, Viettel (cao 1,65m so với mặt nước biển) nên sóng điện thoại ở đây lúc nào cũng đầy ắp.... Còn nhà nghỉ, khách sạn đảo Cồn Cỏ chưa có để phục vụ du khách, nhiều tiện nghi trên đảo vẫn còn thiếu thốn tuy nhiên mỗi năm hòn đảo anh hùng này vẫn đón nhiều chuyến tàu chở du khách trong nước và quốc tế đến với Cồn Cỏ.
Góp sức với Cồn Cỏ, sau khi đi khảo sát các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch, các nhà đầu tư và UBND huyện đảo đã thống nhất bước đầu về địa điểm lưu trú, nghỉ dưỡng, khu vui chơi, đặc sản địa phương, các phương tiện ra vào đảo để sớm mở tour du lịch trong thời gian tới. Các doanh nghiệp cho rằng, đảo Cồn Cỏ chỉ cách Cửa Tùng 15 hải lý, cách Cửa Việt 17 hải lý về phía Đông Bắc, cách Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch) 13 hải lý về phía Đông. Với khoảng cách tương đối gần này, chỉ mất chừng một giờ tàu chạy là có thể đến đảo. Nếu xây dựng thành công tuyến du lịch tại Cồn Cỏ, sẽ hình thành tuyến tam giác du lịch “Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ” hết sức độc đáo và ấn tượng của không chỉ Quảng Trị mà còn cả dải đất miền Trung sóng gió này.
Ông Cao Trí Dũng, Giám đốc Công ty lữ hành Vitour, phấn khởi cho biết “Đảo Cồn Cỏ là địa điểm du lịch hấp dẫn. Chúng tôi đã có kế hoạch đưa đảo Cồn Cỏ vào khai thác du lịch trong thời gian tới như chúng tôi đã làm thành công tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Theo dự kiến, chúng tôi sẽ triển khai tour du lịch thí điểm ra đảo Cồn Cỏ trong mùa hè năm nay”
Có lẽ để trở thành một đảo du lịch hoàn chỉnh thì Cồn Cỏ còn phải rất nhiều thời gian như nghị quyết của Tỉnh ủy Quảng Trị đã đặt mục tiêu xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch vào năm 2020. Còn đây là khoảng thời gian di dân ra đảo, lập ấp, lập làng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... Thế nhưng không phải vì vậy mà Cồn Cỏ chờ đợi! Thế trận lòng dân đã được phát huy khi các doanh nghiệp đã không quên Cồn Cỏ, đang khởi động để biến “Hòn Đảo Thép” trong chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà thành hòn đảo du lịch.
Và hơn thế nữa, Cồn Cỏ đang chờ đợi các nhà đầu tư trong cả nước chung tay cùng Cồn Cỏ để hòn đảo này vừa đảm bảo vị trí tiền tiêu của Tổ quốc trên biển Đông vừa là một địa chỉ du lịch nguyên sơ khó nơi nào có được...
Trần Minh Tích