Khôi phục và phát triển 88 làng nghề thủ công truyền thống
Nghề thủ công truyền thống Huế - Tiềm năng cho phát triển du lịch
- Nằm trong đề án “Khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đến năm 2015”, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp các đơn vị, địa phương tổ chức hàng trăm lớp đào tạo, truyền nghề nhằm cung ứng lao động cho các cơ sở sản xuất, làng nghề. Thông qua việc hỗ trợ đào tạo nghề, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống của tỉnh đã được khôi phục và phát triển. Đáng chú ý như làng nghề đan lát của Hợp tác xã Bao La (Quảng Điền); nghề thêu tay truyền thống tại Huế, Phú Bài (Hương Thủy), Phú Đa, Vinh Thanh (Phú Vang), Hương Giang (Nam Đông); nghề mộc mỹ nghệ và mộc dân dụng cao cấp phục vụ xuất khẩu tại Công ty TNHH Ngọc Anh; nghề đúc đồng ở Phường Đúc; nước nắm Phú Thuận; đệm bàng Phò Trạch; nghề sản xuất hoa sen giấy truyền thống ở làng hoa giấy Thanh Tiên...
Trên thực tế, nguồn vốn khuyến công hỗ trợ đã giúp Thừa Thiên - Huế khôi phục nhiều nghề, với các sản phẩm gắn với du lịch như nón lá, chạm khắc, đúc đồng, kẹo mè xửng... Trong đó, Công ty TNHH Thiên Hương đã nhận được hỗ trợ 2,5 tỷ đồng từ nguồn vốn này để đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm kẹo mè xửng, mặt hàng đặc sản xứ Huế.
Theo ông Võ Phi Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế, năm 2013, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại trực thuộc Sở Công Thương của tỉnh tiếp tục triển khai hỗ trợ 31 đề án khuyến công, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng hơn 10 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động. Hiệu quả từ các chương trình khuyến công của tỉnh đã góp phần kích thích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát huy năng lực, mạnh dạn bỏ thêm vốn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh. Hiện kim ngạch xuất khẩu do các cơ sở sản xuất hàng thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh mang lại khoảng 15 triệu đô-la Mỹ/năm.
Quốc Việt