"Khơi thông sông Cổ Cò: Đột phá mới cho phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam và Đà Nẵng" là buổi Hội thảo do Tạp chí Nhà đầu tư phối hợp với TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam diễn ra vào chiều 8/1, tại Khu đô thị Casamia Hội An (Quảng Nam) với sự tham dự của hàng trăm đại biểu.
Tại hội thảo, đại diện chính quyền tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng, các chuyên gia đầu ngành, các doanh nghiệp đã trình bày các tham luận liên quan đến vấn đề khớp nối, định hướng quy hoạch sông Cổ Cò; cơ hội đầu tư, phát triển các dự án du lịch sinh thái, các dự án bất động sản khi dòng sông được khơi thông.
Ông Ngô Ngọc Hùng- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam cho hay, khu vực ven biển, ven sông Cổ Cò từ tp Đà Nẵng qua thị xã Điện Bàn đến thành phố Hội An là vùng trọng điểm phát triển thu hút đầu tư. Đối với tỉnh Quảng Nam tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến thành phố Hội An, là trục không gian trọng tâm, là lá phổi của tỉnh Quảng Nam”.
Khơi thông sông Cổ Cò sẽ tạo ra lợi thế đột phát cho Quảng Nam và Đà Nẵng |
Nói về cơ chế khơi thông sông Cổ Cò hiệu quả, Giáo sư Đặng Hùng Võ- Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường cho hay, Việc khơi thông sông Cổ Cò như xưa không gặp bất kỳ trở ngại nào về kỹ thuật. Để đạt hiệu quả cao nhất, chúng ta cần bàn kỹ 2 vấn đề. Thứ nhất là quy hoạch và kiến trúc cảnh quan và thứ hai là thu xếp nguồn lực vốn đầu tư. Vấn đề quy hoạch và kiến trúc cảnh quan là điều cần xem xét trước vì giá trị đất đai tăng thêm cao hay thấp là do yếu tố này tạo ra. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần tới sự đóng góp của các nhà quy hoạch và các kiến trúc sư giỏi.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Trí Thanh- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết việc khơi thông sông Cổ Cò có rất nhiều ý nghĩa, ngoài việc dự án này sẽ hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là loại hình du lịch đường sông thì khơi thông sông Cổ Cò, sẽ tạo thêm giao thông đường thủy, phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa, đi lại, giảm tải cho đường bộ.
“Đặc biệt, sau khi khơi thông sẽ có tác dụng kích thích cho sự phát triển đô thị và du lịch ở khu vực lân cận như khu đô thị Điện Bàn (thuộc Điện Nam - Điện Ngọc) và các dự án du lịch ven biển Điện Bàn, Hội An, Đà Nẵng bởi vì các đô thị hiện đại, các đô thị đẹp thường có xu hướng bám theo dòng sông”- ông Thanh cho hay.
Lấy dẫn chứng về sự phát triển hạ tầng đầu tư gắn với kinh tế, Giáo sư - TSKH Nguyễn Mại cho rằng, tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng gắn kết với nhau về địa lý, lịch sử và văn hóa, bổ sung và tạo điều kiện cùng nhau phát triển theo hướng đổi mới, sáng tạo.
Cụ thể, Quảng Nam có Dự án khu đô thị, dịch vụ Nam Hội An, Khu Kinh tế mở Chu Lai gắn kết, thúc đẩy cả một vùng kinh tế duyên hải miền Trung với công nghiệp ô tô của Công ty cổ phần Trường Hải...
Đà Nẵng có tiềm năng phát triển du lịch đẳng cấp quốc tế do du khách có thể tiếp cận được bằng cả bốn loại phương tiện giao thông. Đồng thời Đà Nẵng đang xây dựng nhiều khu công nghiệp trong đó có Khu công nghệ cao, xây dựng đô thị thông minh, tiến tới một thành phố đáng sống.
“Việc hai tỉnh thành Quảng Nam và TP. Đà Nẵng cùng bắt tay, khơi thông dòng sông Cổ Cò dài 25km không chỉ sẽ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và nhân văn sâu sắc”- ông Mại khẳng định.
Hội thảo còn có nhiều tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà đầu tư, chính quyền địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng với mong muốn trong thời gian tới Sông Cổ Cò sẽ là một "vùng đất mới" phát triển kinh tế xã hội địa phương.