Công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030 Toàn văn Quyết định Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản |
Tại hội nghị công bố Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 (gọi tắt là Quy hoạch khoáng sản/ Quy hoạch 866) do Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại TP. Đà Nẵng, giải pháp triển khai quy hoạch hiệu quả được nhiều chuyên gia, hiệp hội, nhà làm chính sách quan tâm thảo luận. Trong đó, nổi lên là vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến, khai thác khoáng sản.
Quy hoạch khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đặt ra nhiều yêu cầu về hàm lượng công nghệ trong khai thác, chế biến khoáng sản |
Theo ông Đào Công Vũ – Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương), trong mục tiêu, định hướng của Quy hoạch khoáng sản đã nêu rõ là phải phát triển lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản gắn với khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh đầu tư, khai thác chế biến đồng bộ hiệu quả với công nghệ hiện đại, phù hợp với xu hướng của thế giới.
Đến nay, tại Việt Nam, ngành khai thác, chế biến khoáng sản đã có nhiều nhà máy hiện đại, áp dụng khai thác tiên tiến với mức độ cơ giới hóa cao, tiến tới giảm sâu lao động thủ công… Tuy nhiên, với định hướng và mục tiêu lớn trong Quy hoạch 866, sẽ có nhiều thách thức đối với doanh nghiệp trong thực hiện.
Ví dụ như các loại khoáng sản trữ lượng lớn, chiến lược thì phải đầu tư công nghệ chế biến phù hợp, hình thành các tổ hợp khai thác gắn với chế biến và sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, bảo vệ môi trường. Với một số loại khoáng sản như bô xít, Titan,…thì chỉ cấp phép khi doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu. “Đầu tư chế biến sâu không dễ. Cần đủ các yếu tố tài chính, chính sách, công nghệ, tất cả đều gặp nhiều khó khăn. Quy hoạch 866 về mặt pháp lý là mở rất rộng. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp có định hướng đầu tư đúng theo quy hoạch, đảm bảo các yếu tố theo định hướng của Quy hoạch 866”, ông Vũ nói.
Bên cạnh đó, ông Vũ cho rằng phải quy trách nhiệm cụ thể cho cơ quan quản lý trong việc thực hiện định hướng áp dụng khoa học công nghệ trong Quy hoạch 866.
Quy hoạch 866 có nêu đối với việc cấp phép thăm dò khai thác, khoáng sản hay việc cấp chứng nhận đầu tư chế biến khoáng sản phải lấy kiến của cơ quan quản lý nhà nước. Việc có những ràng buộc về hàm lượng khoa học công nghệ trong khai thác, chế biến khoáng sản sẽ nâng cao hơn vai trò của cơ quan quản lý quy hoạch, nhưng đồng thời đưa ra thách thức cho doanh nghiệp trong đề xuất đầu tư, trong thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý trong xét duyệt dự án. “Cần phải có những giải pháp đồng bộ, có chỉ tiêu định lượng, quy chuẩn rõ ràng hơn về thế nào là công nghệ và sản phẩm sau chế biến phù hợp. Nếu không sẽ rất khó cho doanh nghiệp khi đi làm các thủ tục”, ông Vũ phân tích và làm rõ thêm, trong công tác quản lý nhà nước phải xác định rõ ràng hơn đơn vị, bộ phận chịu trách nhiệm nếu xét duyệt các dự án đầu tư, khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm môi trường. “Cần có chính sách, quy định gắn trách nhiệm rõ ràng đối với các cơ quan xét duyệt, thẩm định công nghệ dự án đạt được mục tiêu của Quy hoạch 866. Bởi xét duyệt dự án không chỉ là Bộ Công Thương mà còn rất nhiều cấp, tùy theo loại hình khai thác mà sẽ có nhiều cơ quan xét duyệt khác nhau. Nhưng phải gắn trách nhiệm làm sao để cơ quan xét duyệt phải đảm bảo công nghệ đạt mục tiêu Quy hoạch 866 đề ra, thì Quy hoạch mới đi vào cuộc sống được”, ông Vũ đề xuất và cho rằng, phải có giải pháp để ngăn ngừa việc trở thành "bãi rác" công nghệ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Cần quy trách nhiệm cụ thể đối với đơn vị quản lý cấp phép khai thác, đầu tư chế biến khoáng sản nếu sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường (Ảnh minh họa) |
Với các yêu cầu mục tiêu phát triển ngành khoáng sản theo Quy hoạch 866, ông Vũ mong muốn Bộ Công Thương, các địa phương, các doanh nghiệp cùng phối hợp, hợp tác liên kết với tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ trong nước để cùng hình thành ngành khai thác, chế biến khoáng sản đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế thế giới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đồng tình với quan điểm cần tăng cường chế biến sâu trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, hạn chế xuất thô, theo ông Lê Văn Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Titan Việt Nam, cần phải có tính liên kết giữa các đơn vị trong lĩnh vực này. Có như vậy mới làm tăng nguồn lực cho đầu tư chế biến sâu. “Đối với lĩnh vực Titan, đã mấy chục năm hình thành, nhưng đến nay chưa có một nhà máy nào chế biến sâu với hàm lượng công nghệ cao, tiên tiến. Vì vậy, rất cần thiết phải liên kết hợp tác giữa các đơn vị. Nếu cứ có tư tưởng xuất khẩu thô thì không có giờ có được nền công nghiệp khai thác, chế biến sâu ngành khoáng sản được”, ông Lịch nói.